Tiêu điểm thế giới

Khi Trung Quốc hết thời “công xưởng của thế giới”

Khi sức hấp dẫn của Trung Quốc – từng được mệnh danh "công xưởng của thế giới" – phai nhạt, các quốc gia khác trong khu vực sẽ hưởng lợi.

Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Keun Lee trong bài bình luận được đăng gần đây trên trang Channel News Asia.

Người Đưa Tin xin lược dịch bài viết của chuyên gia kinh tế Keun Lee, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh tế Quốc gia tại Hàn Quốc, đồng thời là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc.

Covid-19 đã vạch trần vô số điểm yếu của các chuỗi giá trị xuyên biên giới. Từng là xương sống của toàn cầu hóa, giờ đây các chuỗi giá trị gắn liền với khả năng dễ bị gián đoạn.

Trong bối cảnh đại dịch, các chuỗi giá trị toàn cầu đang được tái cơ cấu với trọng tâm là khả năng phục hồi. Đồng thời, vai trò đang thay đổi của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu đang buộc các công ty phải xem xét lại các hoạt động sản xuất của mình ở nước này.

Từng được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”, Trung Quốc đã tự đổi mới bản thân theo hướng trở thành nhà đầu tư của thế giới.

Việc số hóa sản xuất ngày càng tăng và căng thẳng thương mại đang diễn ra với Mỹ cũng góp phần khiến các công ty “di cư” khỏi Trung Quốc.

Những công ty này đến từ nhiều quốc gia và hoạt động trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau.

Hãng sản xuất bánh mì Hasbro của Mỹ đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc để ưu tiên các cơ sở tại Việt Nam. Gã khổng lồ điện tử Sony của Nhật Bản đã chuyển hoạt động sang Thái Lan. Công ty Cotton Club của Hàn Quốc đang chuyển hoạt động sản xuất sang Philippines, Campuchia và Indonesia.

Ngay cả các công ty Trung Quốc cũng đang rời khỏi quê nhà để đến các địa điểm có chi phí ít tốn kém hơn. Mức lương ở Trung Quốc cao hơn gấp đôi ở Việt Nam và gần bằng 70% ở Hàn Quốc. Tình trạng thiếu lao động cũng gây khó khăn cho việc giảm chi phí sản xuất.

Hơn nữa, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường Trung Quốc từ các nhà sản xuất trong nước đã khiến đất nước này trở nên kém hấp dẫn hơn với tư cách là một trung tâm sản xuất.

Công nhân lắp ráp xe tại một nhà máy ở Qingzhou, thuộc tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc. Ảnh: ASEAN Post

Một thập kỷ trước, dòng sản phẩm điện thoại Galaxy của Samsung chiếm hơn 20% thị trường Trung Quốc; ngày nay, thị phần của sản phẩm này chỉ còn dưới 0,5%.

Trước xu hướng như vậy, Samsung đã quyết định chuyển toàn bộ công suất sản xuất hàng tiêu dùng cuối cùng ra bên ngoài Trung Quốc.

Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc hiện chỉ duy trì 3 nhà máy ở Trung Quốc, và họ sản xuất các linh kiện trung gian, như chip bán dẫn, pin cho ô tô điện và bộ ngưng tụ gốm nhiều lớp giúp ổn định dòng điện trong bảng mạch.

Hàn Quốc đưa sản xuất về nước

Cụ thể, Hàn Quốc đã thực hiện các bước để khuyến khích các công ty của mình đưa hoạt động sản xuất về nước.

Trong thập kỷ qua, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành một số chính sách, bao gồm các ưu đãi về thuế, trợ cấp và giảm giá đất, để khuyến khích các công ty quay trở lại thị trường nội địa.

Năm 2019, quốc gia này đã tiếp tục sửa đổi “Đạo luật quay đầu” để áp dụng cho nhiều ngành công nghiệp hơn, bao gồm cả các doanh nghiệp thông tin và tri thức.

Những chính sách này, kết hợp với các yếu tố bên ngoài, đã góp phần vào sự gia tăng ổn định số lượng các công ty Hàn Quốc đã chuyển hoạt động sản xuất trở lại quê nhà, từ 9 công ty năm 2018 lên 16 công ty vào năm 2019, và 21 công ty vào năm 2020.

Các công ty “hồi hương” hoạt động sản xuất đại diện cho một nhóm ngành công nghiệp đa dạng - từ điện tử, trang sức đến ô tô - và hầu hết trong số họ đang chuyển địa điểm từ Trung Quốc.

Việc số hóa sản xuất là một yếu tố khác thúc đẩy các công ty chuyển hoạt động về nước.

Đã có nhiều công ty hơn nhận thấy rằng việc xây dựng các “nhà máy thông minh” được số hóa cao ở quê nhà và đóng cửa các dây chuyền sản xuất cũ ở Trung Quốc là rất hợp lý.

Ví dụ, công ty may mặc Hàn Quốc G&G Enterprise đã xây dựng một nhà máy thông minh mới, hoàn toàn tự động ở Tây Nam Hàn Quốc, giúp công ty này có khả năng cạnh tranh về giá và linh hoạt hơn về chủng loại sản phẩm - ngay cả trong lĩnh vực thâm dụng lao động như ngành dệt.

Một showroom của Samsung ở Thượng Hải, Trung Quốc đã phải đóng cửa một tuần do liên quan đến đại dịch hồi tháng 2/2020. Ảnh: Yicai Global

Đối với các công ty phải đối mặt với những thách thức trong quá trình chuyển đổi số này, Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập một cơ chế hợp tác công-tư đặc biệt để giúp các doanh nghiệp chuyển hoạt động về nước và xây dựng các nhà máy thông minh ngay tại thị trường nội địa.

Tăng cường số hóa dường như cũng là một cách hiệu quả để đối phó với thách thức của sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Hyundai Motors là một ví dụ. Trước đây, tập đoàn lớn thứ hai của Hàn Quốc đã outsource toàn bộ hoạt động sản xuất dây nịt của mình cho các nhà cung cấp ở Trung Quốc. Nhưng đại dịch Covid-19 đã cắt đứt hoạt động sản xuất loại sản phẩm đơn giản nhưng thâm dụng lao động này.

Thông qua chương trình chuyển đổi số của Chính phủ Hàn Quốc, việc sản xuất dây nịt của Hyundai hiện đang được chuyển dịch về nội địa.

Đông Nam Á hưởng lợi

Đối với nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, việc các công ty “di cư” khỏi Trung Quốc mang lại lợi ích cho họ.

Nhờ việc các công ty chuyển hoạt động sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc, các nước thành viên ASEAN đã ghi nhận dòng vốn đầu tư greenfield (mới) trực tiếp nước ngoài cao nhất từ trước đến nay trong năm 2019.

Mặc dù tác động kinh tế của đại dịch đã làm giảm các dòng vốn đó vào năm 2020, khu vực này vẫn nhận được sự quan tâm rất lớn.

Tăng trưởng kinh tế trong tương lai ở khu vực ASEAN, và khả năng đóng góp của các nước thành viên vào chuỗi giá trị toàn cầu, phụ thuộc vào mức độ thành công của các nước này trong việc thu hút các doanh nghiệp muốn chuyển địa điểm sản xuất, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Chính phủ các nước ASEAN cần nhận ra và nắm bắt cơ hội này.

Minh Đức (Theo CNA)