Đa chiều

Khi trẻ em bị xâm hại từ “vỏ bọc văn hóa”, nỗi đau ai gánh?

Những con số trong báo cáo giám sát, đại biểu Quốc hội nhận xét, mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về vấn nạn xâm hại trẻ em trong khi sự việc đã xảy ra, có xử lý thì những tổn thương tâm lý với trẻ cũng mãi mãi không chữa lành được. Điều đáng nói, trẻ em bị xâm hại còn bị xâm hại từ “vỏ bọc văn hóa”.

Sáng 27/5, tại phiên thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật phòng chống xâm hại trẻ em, ĐBQH lên án mạnh mẽ tình trạng xâm hại trẻ em, nhất là tại các đô thị lớn, với nhiều phương thức, thủ đoạn và đối tượng khác nhau. Rất nhiều trường hợp kẻ xâm hại trẻ em lại là người thân trong gia đình nên việc tố cáo không dễ dàng gì, những điều này đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Có trường hợp, trẻ em đã tự tử.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi: Liệu còn bao nhiêu trẻ em đang kêu cứu mà chưa được hồi đáp? Vết thương lòng của các em khi nào lành lặn? Từ đó, đại biểu cho rằng, nhiều quy định pháp luật chưa rõ ràng như tội ấu dâm, chưa có phòng xử án riêng. Nhiều vụ việc bị gia đình giấu. Nhiều vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng như trẻ tự tử, trẻ tự làm hại mình. Xã hội cần vào cuộc quyết liệt để bảo vệ, tạo hành lang pháp lý vững mạnh, tiếp nhận thông tin từ trẻ em, gia đình, công khai danh tính kẻ xâm hại, bảo đảm an toàn cao cho trẻ em.

Trẻ em là đối tượng dễ bị xâm hại. (Ảnh minh họa)

Từ đó, để răn đe và nghiêm trị, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị cần “thiến hóa học” kẻ xâm hại để ngăn ngừa loại đối tượng này. Theo đại biểu, việc “thiến hóa học” này được nhiều nước trên thế giới đã làm và có hiệu quả. Đồng thời, luật Giám định tư pháp cũng cần quy định rõ về xâm hại trẻ em là loại giám định đặc biệt.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) lên tiếng về việc trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng. Bà Thủy lo ngại, số trẻ em tiếp xúc sớm với mạng hầu hết các em đều có những trải nghiệm tồi tệ về các hành vi xâm hại, phổ biến nhất là bị buộc phải xem “phim đen”, xem những hình ảnh đồi trụy. 1/3 số trẻ đó cũng từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng. 

Mánh khóe để xâmh hại trẻ trên môi trường mạng của các đối tượng được đại biểu khái quát là tạo các phòng “chat” ảo trên mạng, đội lốt là những người có học thức, điều kiện kinh tế khá, tỏ ra rất hiểu biết tâm lý trẻ em. Qua trao đổi, sau một thời gian để tạo tin cậy với trẻ, các đối tượng sẽ xa rời dần chủ đề học hành, gia đình, chuyển sang gợi ý, lôi kéo trẻ xem phim khiêu dâm, để trẻ chụp ảnh cơ thể gửi qua lại.

“Xâm hại trên môi trường mạng để lại hậu quả rất lớn. Nếu xâm hại ngoài xã hội chỉ được một vài người chứng kiến thì hình ảnh xâm hại bị đưa lên mạng có thể theo các em suốt cuộc đời”, đại biểu Thủy nói.

Từ đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị các phụ huynh dành sự quan tâm và thời gian thỏa đáng để chia sẻ với các con các vấn đề này. Bộ Công an thông tin đầy đủ phương thức, thủ đoạn của tội phạm này để có biện pháp phòng chống. Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào chương trình giáo dục các biện pháp phòng, chống xâm hại trên môi trường mạng.

Ở góc độ khác, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) lo ngại việc xâm hại trẻ qua những hình thức vỏ bọc văn hóa. Đại biểu dẫn chứng bằng hình ảnh ông cho là ám ảnh khi một cậu bé mới 4-5 tuổi òa khóc khi không đoạt danh hiệu quán quân trong game show “Biệt tài tí hon”. Hình ảnh này được phát trên truyền hình, được cắt thành clip up lại trên mạng, chiếu tới hàng triệu người xem. Rất nhiều chương trình tương tự đang diễn ra...

Đại biểu Nhân cho rằng, cô bé 13 tuổi đóng những cảnh nóng trong một bộ phim điện ảnh từng gây sóng dư luận thời gian trước cũng chính là một hình thức “xâm hại trẻ em trong vỏ bọc văn hóa”.

Từ thực tế trên, các ĐBQH cho rằng, đến lúc phải cùng nhau hành động đề giữ môi trường an lành và đẹp đẽ cho con em Việt. Đối với gia đình, cần trang bị cho các em biết cách thức phòng vệ những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại. Trẻ em nếu có sai phạm hãy nâng đỡ, thương yêu, giáo dục, không bạo hành trẻ…

Đối với nhà trường phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức chuyên đề về sức khỏe sinh sản cho học sinh, thầy cô cần quan tâm những học sinh có biểu hiện bất an, không tập trung, lo lắng, trầm cảm… đặc biệt tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương; hãy quan tâm chăm sóc, giáo dục, quản lý học sinh, tránh thói hư, tật xấu vi phạm pháp luật, trang mạng internet, trang mạng xã hội cũng cần được quan tâm đúng mức.