Toàn cảnh

Khi nào sẽ chính thức bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú?

Quốc hội đã thông qua luật Cư trú (sửa đổi) với điểm đáng chú ý là từ năm 2023, sổ hộ khẩu chính thức được bãi bỏ.

Chiều 13/11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua luật Cư trú (sửa đổi) với điểm đáng chú ý là từ năm 2023, sổ hộ khẩu chính thức được bãi bỏ.

Đáng chú ý tại khoản 3, Điều 38, luật quy định kể từ ngày có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.

Ảnh minh họa.

Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú.

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Liên quan đến nội dung này, báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự luật cho biết đa số đa số ý kiến nhất trí quy định Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định thời điểm Luật có hiệu lực thi hành muộn hơn, có thể là từ ngày 1/1/2022.

Sau khi xem xét và lắng nghe ý kiến các cơ quan liên quan, UBTVQH đề nghị quy định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật là từ ngày 1/7/2021 như đề nghị của Chính phủ và ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội.

Liên quan đến xu hướng quản lý bằng số định danh cá nhân thay thế sổ hộ khẩu giấy, trao đổi với PV, ĐBQH khóa XIII Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, đó là phương thức tiến bộ, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mà còn giúp Nhà nước ngăn ngừa tiêu cực, nâng cao hiệu quả quản lý về dân cư.

“Người dân khổ sở về sổ hộ khẩu, người nghèo lên thành phố lao động nhưng con cái không đi học được vì không có sổ hộ khẩu. Bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu, tạo thuận lợi cho người dân là việc không nên chần chừ", ông Thuyền nhấn mạnh.

Tuy nhiên cũng theo ông Thuyền, khi thay đổi phương thức quản lý từ sổ hộ khẩu sang số định danh cá nhân sẽ tác động, ảnh hưởng đến rất nhiều quy định về giấy tờ, thủ tục hành chính nên ban soạn thảo cần rà soát để đảm bảo phù hợp, khả thi, để Luật ra đời không bị vướng mắc, ách tắc.

Trước đó, sáng 21/10, Quốc hội thảo luận trực tiếp về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật Cư trú (sửa đổi). Nội dung sửa đổi đáng chú ý nhất trong dự thảo lần này là việc bỏ sổ hộ khẩu giấy.
Đại diện cơ quan soạn thảo, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng bộ Công an, đề cập đến quy định chuyển tiếp và cho rằng nếu không dứt khoát được thời điểm sẽ rất phiền phức cho người dân cũng như hoạt động quản lý của các cơ quan Nhà nước.
Nhắc lại phát biểu của Chủ tịch Quốc hội về việc “bỏ sổ hộ khẩu là điều mong ước của người dân”, Đại tướng Tô Lâm cho rằng trước đây, mỗi loại sổ được bỏ đều mang lại sự phấn khởi cho người dân. Và nay đến bỏ sổ hộ khẩu, người dân cũng rất mong đợi. Bộ trưởng bộ Công an thừa nhận có rất nhiều điều khoản, quy định liên quan đến sổ hộ khẩu nhưng thay đổi phương thức quản lý đòi hỏi cả hệ thống thay đổi chứ không chỉ riêng loại giấy tờ này.
Đại tướng Tô Lâm cho biết theo kế hoạch, bộ Công an đề nghị từ nay tới 1/7/2021, khi luật có hiệu lực, Bộ sẽ vận động để người dân đăng ký các loại giấy tờ theo căn cước công dân.
Người đứng đầu bộ Công an thông tin thêm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện đã thu thập được 90%, đang thẩm định, phúc tra lại và đưa vào hệ thống. Còn 10% sẽ cố gắng hoàn thành trong năm 2020. Vì vậy, Đại tướng Tô Lâm mạnh dạn đề nghị thực hiện ngay việc bỏ sổ hộ khẩu giấy khi luật Cư trú sửa đổi chính thức có hiệu lực.

Về việc cho phép tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh nơi cư trú, do ý kiến còn khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã gửi phiếu thăm dò ý kiến của các ĐBQH. Kết quả lấy phiếu cho thấy, có 266/402/481 ĐBQH đồng ý với phương án 1, cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022.

Có 135/402/481 vị ĐBQH đồng ý với phương án 2, quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (1/7/2021).

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu theo ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội và thể hiện khoản 3 Điều 38 của dự thảo Luật theo hướng cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022.

N.Giang