Truyền thông

Khi nào bạn nên nghỉ việc để kinh doanh riêng?

Bạn đã chán ngấy với việc đi làm thuê? Bạn muốn tự đứng ra làm chủ cho công việc của mình? Bạn muốn mở công ty riêng và tự điều hành?... Nhưng bạn còn băn khoăn về thời điểm bỏ việc để kinh doanh riêng đã “chín” chưa?

Hãy cùng tham khảo một vài thời điểm thích hợp sau đây theo chia sẻ từ Trưởng phòng Nhân sự công ty Tuyển dụng và Tìm kiếm việc làm CareerLink nhé.

Tìm việc làm hiệu quả tại địa chỉ uy tín careerlink.vn

Bạn đã tích lũy “đủ” kiến thức và kinh nghiệm

Tự mình làm chủ một doanh nghiệp luôn ẩn chứa nhiều thách thức. Do đó, bạn cần phải vững vàng trong cả chuyên môn và các kỹ năng liên quan. Nếu trải qua nhiều năm đi làm, bạn cảm thấy tự tin về kiến thức ngành nghề và có kỹ năng quản lý, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng xử lý các vấn đề phát sinh… và tạo dựng được một mạng lưới quan hệ trong công việc và cuộc sống tốt đẹp, đồng thời từng giữ những vai trò chủ chốt, như vị trí quản lý và có mặt trong nhiều dự án quan trọng của công ty, bạn có thể nghĩ đến việc bắt đầu kinh doanh riêng.

Bạn không còn hứng thú với môi trường công sở nhàm chán

Bạn phát “ốm” với việc ngày nào cũng đến cơ quan, làm những công việc mà bạn không còn hứng thú và mỗi sáng thức dậy đi làm đối với bạn là một cực hình. Và bạn đã trải qua cảm giác này khá lâu, trong những thời điểm khác nhau tại các công ty khác nhau.

Có thể bạn là mẫu người có năng lực, sáng tạo nhưng không chấp nhận sự gò bó hoặc làm những công việc nhàm chán. Đó là dấu hiệu đã đến lúc bạn phải nghĩ đến phương án rời bỏ công việc hiện tại để tìm cho mình con đường khác. Tuy nhiên, nếu muốn bắt đầu công việc kinh doanh, bạn cần đầu tư thời gian để tìm ra ý tưởng phù hợp. Có thể bạn sẽ thích những công việc mang tính độc lập cao, không nhất thiết là một doanh nghiệp hoành tráng: Ví dụ như làm chủ một quán cà phê, mở cửa hàng bán những mặt hàng phù hợp với hiểu biết, đam mê của bạn; hoặc mở các trung tâm hay lớp học –về ngoại ngữ, thiết kế đồ họa, chuyên gia lập trình…

Kinh doanh là niềm đam mê của bạn

Có thể bạn sinh ra trong một gia đình có nhiều người làm kinh doanh. Có thể không phải, nhưng từ rất trẻ bạn đã biết cách kiếm tiền qua việc mua đi bán lại những món hàng nho nhỏ. Tóm lại, niềm đam mê kinh doanh đã “ăn vào máu” của bạn. Mặc dù đang đi làm công ăn lương, nhưng đôi lúc những ý tưởng kinh doanh ám ảnh bạn đến mức khó lòng gạt nó ra khỏi tâm trí. Dĩ nhiên, chỉ niềm đam mê thôi chưa đủ, nhưng đó là điều kiện quan trọng để giúp bạn có thể làm việc hết mình và vượt qua những trở ngại, thử thách để hiện thực hóa ý tưởng của mình. Điều quan trọng là làm sao để giữ cho niềm đam mê kinh doanh luôn có sức ảnh hưởng và lôi cuốn bạn.

Ý tưởng kinh doanh bạn ấp ủ từ lâu đã “chín”

Nếu bạn có được một ý tưởng kinh doanh độc đáo và khả thi, bạn đã nghĩ và vạch sẵn trong đầu từ lâu. Bạn đã trao đổi với những người mình muốn hợp tác cùng, những người có cùng mối quan tâm, mục tiêu chí hướng và với những người sẵn lòng hỗ trợ bạn. Dĩ nhiên ý tưởng đó phù hợp với năng lực, điều kiện, sở thích của bạn và có khả năng mang lại lợi nhuận. Bạn đã nhận được những đánh giá, phản hồi tích cực từ những người bạn định cùng hợp tác. Đây cũng là thời điểm để bạn bắt đầu đứng ra kinh doanh riêng với sự hỗ trợ từ bạn bè của bạn.

Bạn đã lên kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh

Không chỉ có ý tưởng, để khởi nghiệp thành công, bạn phải lập một kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh, từ khâu phát triển ý tưởng, đến việc quản lý các hoạt động kinh doanh hàng ngày khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng. Kế hoạch kinh doanh của bạn lập càng chi tiết càng tốt. Đặc biệt, để đảm bảo kinh doanh thành công, bạn cần phải tổ chức nghiên cứu và phân tích thị trường. Phải xem xét xem trên thị trường đã có những công ty, tổ chức nào đã kinh doanh trong lĩnh vực đó, sự thành công của họ như thế nào, khách hàng của họ là ai, nhu cầu của thị trường trong tương lai như thế nào... Nếu như bạn không có chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu và phân tích thị trường, tốt nhất là bạn nên tìm đến một công ty tư vấn.

Kiều Giang