Kinh tế vĩ mô

Khi doanh nghiệp Việt "mang chuông đi đánh xứ người"

Theo TS.Nguyễn Văn Toàn, doanh nghiệp Việt tăng vốn đầu tư ra nước ngoài là tín hiệu tích cực, cho thấy sự nhanh nhạy khi biết nắm bắt cơ hội đầu tư.

Trong 8 tháng năm 2021, tác động tiêu cực của làn sóng dịch Covid-19 khiến các chỉ số kinh tế có phần chững lại. Tuy nhiên, giữa khá nhiều thông tin kém tích cực, thì việc các doanh nghiệp trong nước vẫn đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài được coi là điểm sáng của nền kinh tế.

Trong báo cáo mới công bố, bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra những số liệu về việc doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài trong 8 tháng năm 2021 đã tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, đạt 575 triệu USD, tăng 74,1%.

Theo đó, doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài 40 dự án, bên cạnh đó có 13 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư ra nước ngoài, với tổng số vốn tăng thêm đạt 424,9 triệu USD, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong cuộc trò chuyện với Người Đưa Tin, TS.Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) - đánh giá xu hướng tăng vốn đầu tư ra nước ngoài ở thời điểm này là rất tích cực, cho thấy sự nhanh nhạy của doanh nghiệp trong nước khi nắm bắt cơ hội thâm nhập vào những thị trường khó tính.

Tín hiệu tích cực

Đâu là yếu tố khiến cho doanh nghiệp Việt, mà chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân tích cực đầu tư ra nước ngoài thời điểm này, thưa ông?

TS.Nguyễn Văn Toàn: Khi xem những con số mà doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài 8 tháng năm 2021, tôi cho đó là những tín hiệu rất tích cực. Sẽ có nhiều ý kiến cho rằng việc kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn nên doanh nghiệp chuyển hướng nước ngoài đầu tư, tôi không nghĩ như thế.

Việc đầu tư ra nước ngoài đối với các doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp tư nhân, đó không phải chuyện nhất thời, mà đó là cả một kế hoạch dài hơi. Bởi muốn đầu tư ra nước ngoài thì phải mất nhiều năm khảo sát, chứ không phải vì tình hình dịch trong nước khó khăn rồi mới thực hiện. Còn khó khăn do dịch Covid-19, quốc gia nào cũng gặp phải.

Việt Nam trước đây được nhìn nhận là một quốc gia thường tiếp nhận đầu tư, chứ không ai nghĩ là một quốc gia có thể đầu tư ra nước ngoài. Tính đến nay, Việt Nam đã có hơn 1.400 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là hơn 21 tỷ USD. Đó là một con số khá ấn tượng.

Chúng ta dần có những “quả đấm thép” lớn như Viettel, Vinamilk, Vingroup, TH True milk… tấn công ra thị trường nước ngoài, mang thương hiệu Việt Nam ra với thế giới. Đó là những doanh nghiệp ở khối tư nhân, họ đã đủ lớn mạnh để vươn ra những thị trường lớn. Hơn hết, họ có những vị thế, có chỗ đứng nhất định không chỉ ở trong nước mà còn tại những thị trường đang đầu tư.

Những điều này còn tác động trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, để từ đó có thể dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ làm theo.

Trước đây, mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên, đất đai, lao động giá rẻ, còn bây giờ chúng ta hướng đến những thay đổi từ đổi mới sáng tạo, năng suất lao động, công nghệ… Các doanh nghiệp của chúng ta đã làm được được điều đó, họ có tiềm năng quản lý về mặt vốn và công nghệ.

Tất nhiên, làm kinh doanh, muốn đổi mới tăng trưởng thì phải đa dạng hoá các ngành nghề, xây dựng thương hiệu của chính doanh nghiệp đó.

Về thị trường, Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu trong việc tiếp nhận vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam (302,8 triệu USD, chiếm 52,7% tổng vốn đầu tư), tiếp đến là Campuchia, Lào, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan. Những con số đầu tư không phải quá lớn, song nếu đánh giá về những thị trường tiềm năng mà Việt Nam đã và đang hướng tới, ông có đánh giá thế nào?

TS.Nguyễn Văn Toàn: Thông thường, đầu tư ra nước ngoài sẽ có hai xu thế cơ bản. Thứ nhất là những nước phát triển đầu tư vào những nước chậm phát triển hơn. Khi đầu tư vào những quốc gia này, các nhà đầu tư sẽ tranh thủ những lợi thế về mặt tài nguyên, về nguồn lao động giá rẻ, về năng lượng và thậm chí là lợi thế về quy định môi trường. Xu thế thứ hai là các nước đang phát triển, lợi dụng lợi thế cạnh tranh để đầu tư vào các nước lớn.

Các doanh nghiệp của Việt Nam đang tận dụng cả hai loại hình xu thế này. Điều thấy rõ là chúng ta đầu tư sang Lào, Campuchia, Myanmar hay đầu tư sang một số nước châu Phi, chúng ra có lợi thế hơn là phát triển hơn họ ở nhiều lĩnh vực.

Đối với thị trường Mỹ, chúng ta đầu tư vào bằng năng lực cạnh tranh, bằng thế mạnh của mình. Chúng ta kém hơn nhiều phương diện nhưng lại có lợi thế riêng, tận dụng để đầu tư ở những phân khúc khác nhau.

Xu hướng đầu tư thứ hai là đầu tư sang các nước phát triển hơn đang được doanh nghiệp Việt Nam hướng tới nhiều hơn. Đây là xu hướng tốt, bởi nó đặt ra cho chúng ta những yêu cầu cao hơn cái mình đang thực hiện, buộc mình phải có những kế hoạch, phấn đấu để đạt được những tiêu chuẩn mà họ đề ra. Nói một cách vui rằng, “chơi với người giỏi thì chúng ta kiểu gì cũng sẽ tiến bộ”.

Ở chiều ngược lại, theo ông, sự dịch chuyển đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp Mỹ sẽ như thế nào sau chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vừa qua?

TS.Nguyễn Văn Toàn: Phải nói rằng, chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vừa qua đã thể hiện cam kết sâu sắc của Mỹ trong mối quan hệ với Việt Nam. Chúng ta đều mong rằng điều đó sẽ mang đến lợi ích hoà bình, ổn định, hợp tác và tin cậy giữa hai quốc gia.

Cuộc gặp này, bà Kamala Harris đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó là có hợp tác kinh tế. Đó là tín hiệu tích cực để chúng ta tin tưởng có thể gắn bó lâu dài trong lĩnh vực này ở hai nước.

Mỹ đầu tư vào Việt Nam hiện đang đứng thứ 11 với khoảng chục tỷ USD, trong khi mỗi năm Mỹ đầu tư ra nước ngoài khoảng 300 tỷ USD. Điều đó để thấy việc Mỹ đầu tư vào Việt Nam còn khiêm tốn so với quan hệ thương mại và các quan hệ khác của Việt Nam - Mỹ.

Tuy nhiên, Mỹ đã thông qua nhiều kênh để đầu tư vào Việt Nam, dù chưa có một số liệu chính thức nhưng ngầm hiểu rằng các doanh nghiệp Mỹ "mang quốc tịch của các nước thứ 3" đã đầu tư vào Việt Nam. Thực tế cũng cho thấy, khi Mỹ đầu tư vào Việt Nam họ sẽ không mang quá nhiều lao động vào thị trường của chúng ta, họ chỉ đưa những lao động ở cấp quản lý. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ sử dụng nhân lực của Việt Nam rất nhiều.

Chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ cho chúng ta một kỳ vọng rằng, luồng vốn đầu tư của các nhà đầu tư Mỹ sẽ ngày càng lớn lên. Khi có các tập đoàn kinh tế lớn, hàm lượng công nghệ cao vào thì đây sẽ là một cú hích cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Tất nhiên, để đón được luồng đầu tư đó, chúng ta cần có những sự chuẩn bị. Về mặt về pháp luật sẽ cần có những cởi mở hơn, việc bảo hộ đầu tư phải tốt hơn, chuẩn bị hạ tầng, chính sách, nguồn nhân lực tốt hơn để đón đầu các nhà đầu tư.

Thông tin từ bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ đầu năm tới nay, Vingroup đã đăng ký đầu tư 4 dự án ra nước ngoài, ở Pháp, Hà Lan, Canada và Singapore; Tăng vốn đầu tư ở Mỹ, Đức, với tổng cộng gần 450 triệu USD. Trong đó, riêng phần vốn đầu tư thêm ở Mỹ lên tới 300 triệu USD. Công ty TNHH Đầu tư và phát triển cao su Đông Dương tăng vốn đầu tư dự án tại Campuchia thêm 76 triệu USD.

Đáng chú ý, trong tháng 7/2021, công ty VinFast đưa các chi nhánh tại Mỹ, Canada, Pháp, Đức vào hoạt động, từng bước thực hiện mục tiêu đưa VinFast trở thành hãng ô tô điện thông minh toàn cầu. Một dự án công nghệ của Vinfast cũng đã tăng vốn đầu tư thêm 32 triệu USD.

Trong năm 2020, công ty TNHH Vonfram Masan (thuộc tập đoàn Masan) đầu tư sang Đức với tổng vốn hơn 90 triệu USD.

Trước năm 2015, hoạt động đầu tư ra nước ngoài được dẫn dắt bởi khu vực doanh nghiệp Nhà nước và một trong những doanh nghiệp đứng đầu về hiệu quả kinh tế là tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel). Tại các quốc gia đang đầu tư, Viettel luôn là doanh nghiệp tiên phong và dẫn dắt thị trường, giữ vị trí số 1 về thị phần tại Campuchia, Lào, Đông Timor, Burundi; giữ vị trí số 2 tại các thị trường Haiti, Myanmar và Mozambique.

Theo bộ KH&ĐT, hình thức đầu tư của các doanh nghiệp Việt ra nước ngoài ngày càng đa dạng với hình thức dự án đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp nước ngoài.

Những doanh nghiệp có thể "vươn xa ra thế giới"

Quay trở lại câu chuyện đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam, trước đây, lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài thường dừng lại ở nông nghiệp với giá trị gia tăng thấp, còn những năm gần đây, các nhà đầu tư Việt Nam lại chú trọng ở lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ. Ông có nhìn nhận thế nào về bước chuyển mình này?

TS.Nguyễn Văn Toàn: Như tôi đã nói, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đều có tiềm năng quản lý về mặt vốn và công nghệ. Và trong cuộc chơi kinh doanh, muốn đổi mới tăng trưởng thì phải đa dạng hoá các ngành nghề, xây dựng thương hiệu của chính doanh nghiệp đó.

Khi chuyển hướng đầu tư sang công nghệ thì nó là bước chuyển mình của chính doanh nghiệp để họ tự đánh giá về khả năng, cách thức cũng như tầm nhìn đã đề ra. Điều đó cho thấy trình độ phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời còn tạo cơ hội lớn cho hoạt động liên kết, nhập khẩu công nghệ về ứng dụng trong nước.

Tập đoàn Viettel hay Vingroup cũng đã có những dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, mới đây thì Vingroup đầu tư vào ô tô điện ở phân khúc cao. Khi tham gia đầu tư ở lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ngoài, các doanh nghiệp Việt đều xác định đích đến là quốc gia phát triển về mặt công nghệ. Chúng ta đầu tư để học hỏi, là xu thế và cũng là điều rất đáng mừng.

Những "quả đấm thép" lớn của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thì thương hiệu Việt sẽ tốt hơn nhiều, sản phẩm Việt Nam cũng được quảng bá ở phân khúc tốt hơn, từ đó góp phần tạo chuỗi cung ứng trong - ngoài nước liền mạch hơn.

Nói về các chính sách của Chính phủ hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài thời gian qua, ông có quan điểm thế nào?

TS.Nguyễn Văn Toàn: Chính phủ cũng đã có những chính sách khuyến khích chuyển đổi nguồn tăng trưởng, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.

Tuy nhiên, để khuyến khích doanh nghiệp Chính phủ cần có thêm chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về mặt thủ tục pháp lý cần thiết, tư vấn pháp luật, thông tin về điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của nước đối tác.

Chúng ta vẫn thiếu cơ chế, chính sách thử nghiệm triển khai các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như hỗ trợ về khởi nghiệp, tài chính, quản trị, chuyển đổi hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển lên thành các doanh nghiệp lớn và tập đoàn kinh tế.

Cùng với đó, ngoài ưu đãi cho doanh nghiệp Nhà nước, cần đặc biệt quan tâm đến khối tư nhân, bởi trong khối này đã nổi lên những tập đoàn có tiềm lực mạnh, có thể vươn xa ra thế giới.

Một số người e ngại việc đầu tư ra nước ngoài không đem nguồn vốn về được, gây lãng phí. Tuy nhiên, đó là chuyện không có cơ sở. Bởi luật Ðầu tư (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã hoàn thiện pháp luật, chính sách đầu tư ra nước ngoài theo hướng cập nhật rõ các trường hợp cấm đầu tư ra nước ngoài, đầu tư ra nước ngoài có điều kiện.

Luật này được sửa đổi qua nhiều đóng góp ý kiến từ các cơ quan ban ngành, Luật đã bổ sung nhiều quy định về vấn đề cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho tổ chức kinh tế thành lập ở nước ngoài gắn với doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Sửa đổi chế độ báo cáo đầu tư ra nước ngoài của các cơ quan quản lý Nhà nước, bổ sung nội dung cho phép được sử dụng lợi nhuận ở nước ngoài để góp vốn đầu tư dự án tại nước ngoài,…

Xin cảm ơn chia sẻ của ông!

Ảnh: Hữu Thắng