Kinh tế vĩ mô

Khi các địa phương còn băn khoăn chia bánh "ai phần ít, ai phần nhiều"

Liên kết vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ đảm bảo phục hồi nền kinh tế vùng sau đại dịch Covid-19 mà còn đảm bảo tính chất bền vững và gia tăng giá trị.

Ngày 1/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ phối hợp cùng Cơ quan Thường trú Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) tại ĐBSCL và Trung tâm Trọng Tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo “Bức tranh Kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long: Dự báo Kinh tế quý IV và triển vong năm 2022” dưới hình thức trực tuyến.

Tại Hội thảo, các diễn giả đã dành nhiều thời gian để bàn về tác động dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đến Đồng bằng sông Cửu Long và những vấn đề đặt ra đối với các nhà quản lý địa phương và doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long nắm bắt xây dựng chính sách và kế hoạch kinh doanh thích ứng trong giai đoạn phục hồi. 

Các đại biểu tham gia hội thảo trực tuyến. 

Khi cá còn nằm dưới ao, trái còn nằm trên cây, lúa còn nằm trên đồng

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng cần thiết tư duy lại không gian phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt trong ngành nông nghiệp. Phải chuyển từ theo đuổi phát triển theo từng địa giới hành chính sang phát triển dựa trên không gian liên địa phương, liên vùng có cùng ngành hàng. Đại dịch Covid-19 đang làm trầm trọng thêm tính cấp thiết phải tư duy lại về phát triển ở vùng bởi vốn dĩ lâu nay vẫn bị bó hẹp trong tư duy theo xã, theo huyện, theo tỉnh.  

“Chúng ta phải xem 13 tỉnh Đồng bằng sông cửu long là một thực thể kinh tế, chứ không phải là mảnh ghép của 13 địa giới hành chính”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Bên cạnh đó, về vấn đề hình thành chuỗi giá trị ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: “Khi cá còn nằm dưới ao, trái còn nằm trên cây, lúa còn nằm trên đồng thì bản thân nó là sản lượng, không phải là kinh tế. Tức là tư duy chúng ta là tư duy sản lượng, sản lượng chúng ta cố gắng tạo ra nhiều hơn nhưng trong khi giá trị gia tăng lại không cao hơn. Giá trị gia tăng chỉ cao hơn khi tất cả những sản phẩm đó đến được thị trường thông qua chuỗi giá trị nằm trong một không gian phát triển”.

Ông Hoan khẳng định rằng, việc thay đổi tư duy về không gian phát triển ở Đồng bằng sông Cửu Long rất quan trọng vì không chỉ đảm bảo phục hồi lại sau đại dịch Covid-19 mà còn đảm bảo tính chất bền vững và nâng cao giá trị của nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, phải xem 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là một thực thể kinh tế, chứ không phải là mảnh ghép của 13 địa giới hành chính. 

Lý giải việc tại sao liên kết vùng ở đồng bằng sông Cửu Long chưa đạt hiệu quả, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: “Tại vì chúng ta nghĩ đến câu chuyện chia chiếc bánh, ai phần ít, ai phần nhiều trong đó các địa phương đều băn khoăn là mình lớn hay nhỏ, tuy nhiên thực tế lại là chúng ta liên kết tốt thì sẽ làm cho chiếc bánh lớn hơn. Do đó, khi chia thực tế chúng ta đang chia trên phần lớn hơn. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là phải làm sao để thấy được là chiếc bánh đang lớn lên, đây là hiện là vấn đề vướng mắc.  

Do đó, điều quan trọng có thể liên kết vùng một cách hiệu quả đó là chứng minh cho các địa phương thấy rằng khi liên kết lại thì sẽ làm cho chiếc bánh lớn hơn, ngân sách mỗi địa phương đều tăng".

Cũng về vấn đề trên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, đến từ Trường Chính Công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, để liên kết vùng phát huy hiệu quả cần thiết phải có cấp quản lý, điều phối chỉ thực sự hiệu lực khi gắn với thiết chế vùng. Tuy nhiên có hai vấn đề cần lưu ý: một là không hướng đến việc tạo lập một cấp chính quyền vùng vì sẽ làm bộ máy cồng kềnh và thêm gánh nặng cho ngân sách; thứ hai là cơ chế ban chỉ đạo như hiện nay chưa phát huy được hiệu lực.

Doanh nghiệp trở thành người "giao liên" của liên kết vùng

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, liên kết vùng phải hình thành trên cơ sở cơ chế thị trường, trong đó Chính phủ, các cơ quan chính quyền chỉ đóng vai trò mở đường, tạo nền tảng bằng chính sách, bằng cơ sở hạ tầng, bằng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Còn người “giao liên” để thực hiện vai trò liên kết vùng chính là doanh nghiệp của chúng ta và chính các chuỗi cung ứng được thiết lập sẽ là dòng chảy để liên kết vùng.

Doanh nghiệp là lực lượng chủ lực trong quá trình xây dựng các chuỗi liên kết cùng với nông dân là chủ thể và sự hỗ trợ của chính quyền.

Nền kinh tế của chúng ta không thể là phép cộng của các nền kinh tế địa phương. Các địa phương sẽ không có nền kinh tế riêng theo kiểu đóng kín, cộng vào thì thành nền kinh tế cả nước. Kinh tế của các địa phương chính là các chuỗi cung ứng trong nền kinh tế, mỗi chuỗi cung ứng như một nền kinh tế nhỏ.

Điều này cũng giống như các tập đoàn xuyên quốc gia, bản thân họ là những nền kinh tế lớn trong nền kinh tế toàn cầu chứ không đơn thuần chỉ là trong phạm vi biên giới từng quốc gia. Do đó, các chuỗi cung ứng thì không có biên giới, không có địa giới hành chính.

Đề cập đến mô hình liên kết vùng ở khu vực, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, khi các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu đàn đầu tư vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo nên các trung tâm liên kết lan tỏa. Chính họ sẽ là lực lượng chủ lực trong quá trình xây dựng các chuỗi liên kết cùng với nông dân là chủ thể.