Sức khỏe

Khi ăn thấy 5 dấu hiệu này, cẩn thận kẻo mắc ung thư mà không biết

Khả năng phát hiện và điều trị khỏi ung thư sẽ tăng lên nhiều lần nếu bạn chú ý tới các dấu hiệu bất thường trong khi ăn uống.

Ung thư là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất thế giới, nó không chừa một ai và có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào. Theo WHO, năm 2008 thế giới có 12,6 triệu người mắc ung thư, trong đó có 7,5 triệu người tử vong. Năm 2015, có khoảng 90,5 triệu người bị ung thư. Mỗi năm ước tính có khoảng 14,1 triệu người mắc mới. Ở Mỹ và các nước phát triển, tử vong do ung thư chiếm khoảng 25% và hàng năm có khoảng 0,5% dân số được chẩn đoán ung thư. Sự nguy hiểm của ung thư thể hiện ở chỗ, bệnh diễn biến phức tạp và chưa có một loại thuốc đặc hiệu nào để chống lại nó.

Tuy nhiên, đa số bệnh nhân thường được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn nặng bởi có những dấu hiệu không rõ ràng, khiến họ tưởng bệnh vặt nên chủ quan bỏ qua.

Theo các chuyên gia, chủ động theo dõi sức khỏe bản thân để phát hiện dấu hiệu ung thư sớm là chìa khóa quan trọng để tăng hiệu quả điều trị. Vì vậy, bạn nên quan sát các dấu hiệu bất thường ngay từ các hành động quen thuộc trong cuộc sống như ăn cơm, uống nước, tắm rửa... Cụ thể, nếu xuất hiện những dấu hiệu dưới đây khi ăn cơm, đây có thể là lời cảnh báo các tế bào ung thư đang phát triển.

Chán ăn, mất vị giác thường xuyên

Chúng ta có thể mất cảm giác ngon miệng vì nhiều lý do như cảm cúm, trầm cảm, bị bệnh gan, tiểu đường, suy tuyến giáp … hoặc cũng có thể là do ung thư. Khi tế bào ung thư phát triển sẽ làm thay đổi quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Một số bệnh ung thư nguy hiểm có thể gây áp lực lên dạ dày, khiến bạn cảm thấy chán ăn, phổ biến nhất là ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư tuyến tụy và ung thư buồng trứng.

Chán ăn là một trong những dấu hiệu cảnh báo nhiều căn bệnh ung thư nguy hiểm. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, tình trạng thay đổi vị giác còn có thể xảy ra trong hoặc sau quá trình điều trị ở một số bệnh nhân ung thư. Người bệnh có thể cảm thấy đồ ăn vị đắng hoặc tất cả các thức ăn đều có cùng một vị. Chán ăn dẫn tới giảm cân, suy dinh dưỡng, mất sức, teo cơ, có thể làm chậm quá trình phục hồi và ngăn cản việc tiếp tục quá trình điều trị.

Khó nuốt

Nhiều người có cảm giác nuốt vướng, khó nuốt nhưng chủ quan bỏ qua mà không biết rằng đó có thể là dấu hiệu của một số bệnh ung thư. Nuốt vướng là cảm giác mà bệnh nhân cảm thấy có vật gì trong cổ mắc lại hoặc không trôi gây khó chịu. Thông thường, người bệnh có những triệu chứng như nuốt vướng thường xuyên hoặc tăng dần, nuốt vướng khi ăn uống, thậm chí có thể nghẹn và sặc...

Nuốt vướng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh ung thư nguy hiểm như: ung thư vùng khoang miệng, họng miệng, hạ họng, hạ họng - thanh quản; ung thư thực quản; ung thư tuyến giáp.

Nôn mửa khi ăn

Triệu chứng buồn nôn khi ăn có thể gặp ở bệnh nhân bị ung thư dạ dày, ung thư vòm họng. (Ảnh minh họa)

Bệnh ung thư dạ dày, ung thư vòm họng thường không có nhiều biểu hiện ở giai đoạn đầu nhưng có thể gây khó tiêu, buồn nôn, nôn mửa và đầy hơi. Đặc biệt những người trên 45 tuổi, nếu thường xuyên buồn nôn sau ăn phải cẩn thận với bệnh ung thư dạ dày. Khi mắc ung thư dạ dày rất dễ gây tắc nghẽn môn vị, gây cảm giác buồn nôn. Trong giai đoạn đầu, nôn mửa thường xảy ra liên tục, xuất hiện 1 giờ sau ăn.

Đáng nói không chỉ các loại ung thư liên quan đến đường tiêu hóa mới có thể gây ra các triệu chứng này. Ung thư buồng trứng cũng có thể liên quan đến tình trạng đầy hơi, khó tiêu. Buồn nôn và nôn cũng có thể là một triệu chứng của ung thư não.

Đau bụng, chướng bụng đầy hơi

Trong khi ăn thấy đau bụng và đầy hơi rõ rệt, bạn cần phải hết sức cảnh giác với các bệnh ung thư như ung thư ruột, ung thư buồng trứng, ung thư dạ dày hoặc ung thư tụy.

Một số dấu hiệu điển hình của ung thư ruột bao gồm đau bụng dưới liên tục, đầy bụng và khó chịu trong bụng. Nếu bạn có cảm giác chướng bụng, cồng kềnh kéo dài 3 tuần hoặc lâu hơn, đây có thể là dấu hiệu của ung thư buồng trứng. Trong khi đó dấu hiệu ban đầu của ung thư dạ dày thường là nhanh no và cồng kềnh, chướng bụng sau khi ăn. Khi khối u ung thư dạ dày tiến triển, bạn có thể thấy chướng bụng. Chướng bụng có thể là do sự tích tụ chất lỏng hoặc khối u phát triển. Bụng trở nên lớn hơn, phình to ngay cả khi không tăng cân hoặc lúc đang đói.

Ngoài ra chướng bụng, bụng to thường là dấu hiệu của ung thư gan ở giai đoạn cuối. Lúc này, bệnh nhân thường xuất hiện các khối u lan rộng đến nhiều cơ quan lớn và cả vùng bụng. Dễ thấy bụng của bệnh nhân bị phình to ra. Khối u gan đã chiếm diện tích lớn trong bụng, đồng thời gây tích tụ chất lỏng trong bụng, khiến cho phần bụng to ra, cảm giác rất đau đớn.

Ăn đủ chất nhưng vẫn thường xuyên thấy mệt mỏi

Nếu bị mệt mỏi kéo dài kèm theo một số triệu chứng bất thường khác thì nên đi khám ung thư. (Ảnh minh họa)

Tế bào ung thư sử dụng các chất dinh dưỡng chúng ta hấp thụ được để phát triển và sinh sôi, vì vậy những chất mà bạn ăn có thể không được bổ sung để nuôi cơ thể. Việc này khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi dù cố gắng bổ sung đủ chất.

Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân khác gây ra tình trạng này, nhiều trong số đó không liên quan đến ung thư. Nếu các triệu chứng mệt mỏi nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đi kèm với giảm cân, sốt, chảy máu bất thường thì tốt nhất bạn nên đi kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt.

Minh Hoa (t/h)