Dân sinh

Khát vọng cà phê sạch của nữ doanh nhân phố núi

Bất ngờ rẽ hướng khởi nghiệp với cà phê đặc sản, chị Bùi Thị Kim Anh mong muốn góp phần phát huy tài nguyên bản địa, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

Giấc mơ trên vùng đất bazan

Năm 2002, sau khi tốt nghiệp đại học, chị Bùi Thị Kim Anh (SN 1979, trú tại Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) trở về vùng đất đỏ bazan Đắk Lắk và làm việc trong ngành ngân hàng.

Sau 13 năm gắn bó với nghề, chị bất ngờ rẽ hướng sang một lối đi khác, với hy vọng chung tay phát huy tiềm năng bản địa. Sau thời gian học hỏi và trao đổi kinh nghiệm, năm 2019, chị Kim Anh quyết định thành lập công ty riêng để hiện thực hóa khát vọng sản xuất, chế biến cà phê đặc sản chất lượng cao trên vùng đất đỏ bazan.

Tuy nhiên, hành trình khởi nghiệp diễn ra không mấy dễ dàng với người phụ nữ phố núi. Thời gian đầu, bản thân chị Kim Anh đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Không nản lòng trước những thách thức đặt ra, chị Kim Anh nỗ lực nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm để sản xuất ra các sản phẩm cà phê chất lượng cao và từng bước thuyết phục các thị trường “khó tính”.

Chị Kim Anh (người ngoài cùng bên phải) không ngừng cải cách quy trình, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào sản xuất.

Theo đó, ngoài việc giữ nguyên công thức thủ công trong quá trình sản xuất, chị đã nỗ lực thực hiện “cuộc cách mạng” cho nhiều hộ dân trên địa bàn chuyển canh tác cà phê truyền thống sang sản xuất cà phê sạch. Để tạo môi trường thuận lợi tự nhiên tối đa cho cây cà phê, quá trình canh tác, chị cương quyết nói không với phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và chất kích thích tăng trưởng. Thay vào đó, là quy trình sản xuất hữu cơ và thực hiện thủ công ở tất cả các khâu.

Quá trình thu hoạch, chị Kim Anh tận tình hướng dẫn bà con lựa những trái cà phê chín mọng để hái, không thu hoạch những trái còn đang xanh và non, loại bỏ trái hư trái lép, không được để trái cà phê lẫn với đất. Sự “kỹ tính” này nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra cho trái cà phê.

Chị Kim Anh (người ngoài cùng bên trái) đem các sản phẩm của mình tham gia các triển lãm, các cuộc thi cà phê đặc sản...

Sau khi thu hoạch, cà phê được phơi trên giàn trong nhà kính. Theo chị Kim Anh, cách phơi này có hiệu quả cực kỳ cao, vừa tiết kiệm sức người lại có thể rút ngắn thời gian phơi cà phê. Phơi trong nhà kính cũng là bước chuyển đột phá trong quy trình sản xuất cà phê hiện đại, qua đó tập trung tối đa sức nóng ánh sáng mặt trời để phơi khô cà phê.

Để tìm đầu ra cho các sản phẩm của mình, chị Kim Anh đã tham gia các triển lãm, hội chợ, các cuộc thi cà phê đặc sản và sự kiện về nông sản hữu cơ, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, phân phối qua các đại lý, quán cà phê...

Các sản phẩm của Farmfood ngày càng được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến.

Vương vấn hương hoa cà phê

Không chỉ đẩy mạnh, phát triển các sản phẩm cà phê, thời gian qua, chị Kim Anh còn không ngừng nghiên cứu, tận dụng thành công một số thành phần trên cây cà phê vốn bỏ đi trước đây để chế biến ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo mà hiếm có nơi nào có được.

Theo đó, sau khi hoa cà phê đã qua quá trình thụ phấn, đậu trái và bắt đầu vào giai đoạn héo rụng, chị sẽ liên kết, thuê người dân địa phương thu hái về và chế biến thành trà hoa cà phê. Đây là sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, lưu giữ được hương hoa cà phê mang hương vị độc đáo của hồn đất, hồn người Tây Nguyên.

Chị Kim Anh xuất sắc giành giải Nhất của cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa năm 2023.

Theo chị Kim Anh, trà hoa cà phê là kết quả của quá trình lao động cần mẫn. Bởi cây cà phê chỉ nở hoa một lần trong năm trước khi kết trái. Do đó, người nông dân phải nhặt từng bông hoa một cách cẩn thận trước khi chúng rơi xuống đất.

Hơn nữa, thu hoạch những bông hoa cà phê là một quá trình tỉ mỉ mà không phải ai cũng có thể làm được. Để trà hoa cà phê có được hương vị độc đáo và đậm đà, người thợ chỉ được hái những bông hoa đã nở rộ. Tuy nhiên, nếu không có kỹ thuật, sự khéo léo và nhẫn nại thì người thợ sẽ dễ dàng hủy hoại sự phát triển của trái cà phê.

Mới đây, chị Kim Anh đã đem dự án sản xuất và chế biến trà từ hoa cà phê tham dự cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức và xuất sắc giành được một trong 3 giải Nhất của cuộc thi.

Để đạt được kết quả đó, chị Kim Anh không ngừng học hỏi, nghiên cứu, cho ra thị trường sản phẩm mới, độc đáo trà từ hoa cà phê. Bên cạnh đó, cải cách quy trình, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp. Từ đó, tạo dựng thương hiệu, khẳng định vị thế của ngành cà phê trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chị Kim Anh tận dụng thành công một số thành phần trên cây cà phê để chế biến ra trà hoa cà phê - sản phẩm mới lạ, độc đáo.

Cà phê được phơi trên giàn trong nhà kính.

Chị Kim Anh cho biết, trong quá trình sản xuất luôn coi trọng phát triển gắn liền với bảo vệ môi trường.

Tấm gương phụ nữ khởi nghiệp

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Buôn Ma Thuột Lê Thị Thanh nhận xét, chị Kim Anh là tấm gương sáng về khởi nghiệp, duy trì hoạt động của doanh nghiệp và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đã phát huy sức mạnh nội lực, tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ, góp phần thực hiện chương trình Quốc gia khởi nghiệp của Chính phủ và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Khánh Ngọc