Kinh tế vĩ mô

Khảo sát sự hài lòng của doanh nghiệp về thủ tục kiểm tra chuyên ngành

Với gần 20 nghìn lượt doanh nghiệp tham gia trong 10 năm qua, phản ánh từ các doanh nghiệp đã cung cấp rất nhiều thông tin chân thực, khách quan để thúc đẩy các bộ, ngành tiến hành các cải cách thực chất hơn.

Dự kiến từ nay đến tháng 7/2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Tổng cục Hải quan và Dự án Tạo thuận lợi thương mại sẽ khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc cải cách thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa Quốc gia và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhằm xác định rõ các khâu còn bất cập của từng bộ, ngành cụ thể.

Yêu cầu về cải cách quản lý kiểm tra chuyên ngành là mục tiêu trọng tâm của Chính phủ đặt ra trong những năm qua. Khảo sát lần này tập trung nhận diện hiện trạng chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của các Bộ, ngành trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia (https://vnsw.gov.vn) và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành; đồng thời tập hợp các khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay trong khi thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho biết: Hoạt động khảo sát về mức độ hài lòng của doanh nghiệp khi tiến hành các thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu do VCCI, Tổng cục Hải quan và USAID định kỳ phối hợp triển khai từ năm 2012 đến nay đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Theo Báo Tin tức, với gần 20 nghìn lượt doanh nghiệp tham gia trong 10 năm qua, phản ánh từ các doanh nghiệp đã cung cấp rất nhiều thông tin chân thực, khách quan để thúc đẩy các bộ, ngành tiến hành các cải cách thực chất hơn. Có thể kể đến như chuyển đổi việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục từ phương thức thủ công sang phương thức điện tử, giám sát hàng hóa tự động, giảm trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm… 

“Tiếp nối các nỗ lực trước đây, khảo sát năm 2022 sẽ xác định rõ các khâu, bước còn bất cập trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục xuất nhập khẩu hiện nay của từng bộ, ngành cụ thể”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết. Các thông tin này cùng với kiến nghị của các doanh nghiệp sẽ được tổng hợp để đưa ra các khuyến nghị cải cách tới Chính phủ và các Bộ, ngành nhằm tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu.

Thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn là gánh nặng cho doanh nghiệp, là một trong yếu tố chiếm tỷ trọng khá lớn cấu thành thời gian thông quan hàng hóa mà hiện vẫn chưa được cải thiện đáng kể theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, từ đó dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong trao đổi thương mại qua biên giới.

Đến năm 2030, Tổng cục Hải quan phấn đấu hoàn thành hải quan thông minh và mức độ hài lòng của doanh nghiệp đạt từ 95% trở lên. 100% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới được số hóa. 100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động. 100% hàng hóa thuộc đối tượng rủi ro cao vận chuyển bằng container chịu sự giám sát hải quan được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, dữ liệu được kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan...

Hương Anh (tổng hợp)