Dân sinh

Khánh Hòa tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể

Tỉnh Khánh Hòa thực hiện tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.

Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Khánh Hòa vừa có công văn gửi các đơn vị, địa phương về việc tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.

Theo đó, ngày 17/11, tại Trường Tiểu học, THCS & THPT iSchool Nha Trang đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm nhiều học sinh có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, sốt và phải nhập viện điều trị; trong đó có một trường hợp tử vong.

Trước tình hình trên, Sở Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Khánh Hòa đề nghị các đơn vị thực hiện các nội dung để bảo đảm an toàn thực phẩm và hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở có tổ chức bếp ăn tập thể nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân đặc biệt là trẻ em.

Ban chỉ đạo đề nghị các sở: Giáo dục và Đào tạo, Công thương; Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý, có văn bản chỉ đạo các trường học có tổ chức bán trú; công ty trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tăng cường giám sát việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động chế biến thực phẩm tại bếp ăn tập thể hoặc tại các cơ sở hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn. Tuyệt đối không được hợp đồng với các cơ sở chưa đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm để chế biến, cung cấp thức ăn cho nhà trường hoặc công ty.

Trong đó, đặc biệt chú trọng thực hiện nghiêm các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định tại Điều 28, 29, 30 Luật An toàn thực phẩm và tại Khoản 2, Điều 2 Nghị định 155 ngày 12/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

Đối với người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm phải đội mũ, đeo khẩu trang; cắt ngắn móng tay; sử dụng găng tay dùng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay. Tuyệt đối không tham gia chế biến thực phẩm khi bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, lao phổi, tiêu chảy cấp, viêm da nhiễm trùng (vết thương trên cơ thể có biểu hiện mưng mủ, đặc biệt vết thương trên tay).

Thực hiện ăn chín, uống chín; ăn ngay sau khi chế biến (không quá 2 giờ sau khi chế biến nếu bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phòng). Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu thực phẩm; nên sử dụng nguồn thực phẩm tươi sống, hạn chế cho trẻ sử dụng các thực phẩm đông lạnh, thực phẩm đóng gói sẵn.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch, phương án phối hợp với ngành y tế và các cơ quan chức năng xử lý khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra, hạn chế sự ảnh hưởng đến việc giảng dạy và học tập tại nhà trường hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.

Học sinh nhập viện điều trị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn bán trú tại Trường Tiểu học, THCS & THPT iSchool Nha Trang. Ảnh: BV.

Ban Chỉ đạo yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Y tế hoặc Văn phòng HĐND và UBND phối hợp với Trung tâm Y tế và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các cơ sở có tổ chức bếp ăn tập thể và các cơ sở chế biến, cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn quản lý theo phân công, phân cấp.

Trong quá trình kiểm tra, thực hiện truyền thông trực tiếp đối với các cơ sở và lấy mẫu giám sát đánh giá nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công bố trên phương tiện thông tin truyền thông để kịp thời cảnh báo cho người tiêu dùng.

Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc thẩm quyền quản lý theo phân công, phân cấp.

Trung tâm Y tế chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, phương tiện... để kịp thời cấp cứu bệnh nhân và điều tra nguyên nhân khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Phòng Y tế; Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông và các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm. Hỗ trợ các địa phương về chuyên môn trong công tác điều tra nguyên nhân, xử lý, khắc phục vụ ngộ độc thực phẩm.

Tăng cường kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các cơ sở có tổ chức bếp ăn tập thể và các cơ sở chế biến, cung cấp suất ăn sẵn thuộc thẩm quyền quản lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...

Châu Tường