Dân sinh

Khánh Hòa: Mía đạt sản lượng nhưng chi phí đầu tư tăng cao

Vụ mía này, tuy đạt sản lượng nhưng chi phí đầu tư tăng nên nông dân ít lãi. Bên cạnh niềm vui năng suất tăng, nông dân Khánh Hòa còn nhiều trăn trở với cây mía.

Năng suất mía tăng

Hiện nay, người nông dân trồng mía ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đang tất bật vào vụ thu hoạch mía. Theo những nông dân trồng mía, niên vụ này nhờ thời tiết thuận lợi, mưa nhiều nên cây mía sinh trưởng và phát triển tốt. Sản lượng mía đạt năng suất, tuy nhiên, cũng vì mưa nhiều nên chữ đường thấp.

Tại các vùng trồng mía trọng điểm ở thị xã Ninh Hòa như Ninh Xuân, Ninh Tân, Ninh Tây, Ninh Sim… hầu hết đều đạt sản lượng cao.

Những ruộng mía đã thu hoạch cho năng suất trung bình dao động trên 60 tấn/ha. Đối với ruộng mía tơ được đầu tư chăm sóc tốt, năng suất còn đạt cao hơn. Vì vậy, nông dân trồng mía phấn khởi.

Ông Lê Thành Tuấn, ngụ thôn Tân Mỹ, xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa cho biết, vụ mía năm nay gia đình ông trồng khoảng 4ha cả mía gốc và mía tơ ở thôn Tân Phong, xã Ninh Xuân. Đến nay, ông đã thu hoạch khoảng 2,1ha được 200 tấn mía.

“Sản lượng mía của gia đình tôi năm nay đạt hơn so với năm ngoái. Mía gốc bình quân đạt từ 75-80 tấn/ha, còn mía tơ lên đến 110 tấn/ha. Mía đạt sản lượng là nhờ tôi đầu tư hồ chứa nước để tưới. Nếu sản lượng đạt 50 tấn/ha thì người nông dân huề vốn, còn cao hơn thì sẽ có lãi. Tuy năm nay lãi không nhiều do chi phí tăng cao nhưng làm nông mà có lời tôi cũng thấy phấn khởi”, ông Tuấn cho biết.

Nông dân Khánh Hòa thu hoạch mía niên vụ 2022 - 2023.

Tương tự, ông Võ Tâm Tư, ở cùng địa phương, cũng cho biết nhà ông có hơn 1ha mía đã được thu hoạch, sản lượng mía năm nay đạt hơn so với năm ngoái. “Nhà tôi thu hoạch được 10 xe mía thì có 3 xe được 10 chữ đường, 7 xe được 9 chữ đường. Tuy đạt sản lượng nhưng chữ đường không như kỳ vọng”, ông Tư nói.

Trong khi đó, ông Đặng Văn Huy, ngụ thôn Bắc, xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa cho hay, mía gốc của gia đình ông đạt 60 tấn/ha, tuy nhiên, chữ đường lại thấp chỉ khoảng 7-9 chữ.

Mía của nông dân Ninh Hòa được tiêu thụ ở 2 nhà máy đường nằm trên địa bàn thị xã Ninh Hòa và huyện Cam Lâm. Theo một số nông dân, giá mía năm nay được các nhà máy đường thu mua có nhích hơn năm ngoái.

Hiện nay, giá thu mua mía dao động từ 1,090 – 1,1 triệu đồng/tấn mía đạt chữ đường 10CCS. Tùy vào chính sách của mỗi công ty mà có hoặc không có hỗ trợ trong khâu vận chuyển mía về nhà máy và công bốc xếp.

Ông Võ Tâm Tư cho biết vụ mía này năng suất tăng nhưng chữ đường không như kỳ vọng.

Chi phí tăng cao nên nông dân ít lãi

Tuy vụ mía này sản lượng đạt nhưng chi phí cho công chặt, phân thuốc đều tăng cao nên nông dân lãi không nhiều. Ông Tư cho biết: “Nhân công chặt mía thiếu, chủ yếu là những người lớn tuổi bám nghề, còn lại giới trẻ hiện nay ít làm công việc này nên chi phí nhân công tăng lên. Năm nay, tiền công chặt cho mỗi bó mía là 2.000 đồng/bó, trong khi năm ngoái chỉ khoảng 1.500 – 1.600 đồng/bó. Bên cạnh đó, giá phân bón cũng tăng cao. Vụ mía năm trước giá phân NPK là hơn 500.000 đồng/bao thì vụ này lên gần 900.000 đồng/bao, tăng khoảng 70% so với năm ngoái”.

Còn ông Huy cho hay, không chỉ công chăm sóc mía của vụ này tăng so với năm ngoái mà tiền công chặt mía cũng tăng. Năm ngoái, giá nhân công ông trả 1.600 đồng/bó thì năm nay lên 1.800 đồng/bó. Theo ông Huy, do mưa nhiều dẫn đến ruộng mía bị lún, xe tải không thể vào trực tiếp để bốc mía. Vì vậy, nông dân phải thuê nhân công bốc vác và xe máy cày tải mía ra đến đường bê tông, đường lộ nên chi phí tăng lên rất nhiều. Hiện nay, tiền tăng bo này xe máy cày tính giá 1.000 đồng/bó.

Nhân công chặt mía thiếu, chủ yếu là những người lớn tuổi bám nghề, còn lại giới trẻ hiện nay ít làm công việc này nên chi phí nhân công tăng lên. Tiền công cho mỗi bó mía từ 1.800 – 2.000 đồng.

Người dân gom mía thành đống để xe vận chuyển.

Ông Tuấn cũng cho biết tại địa phương, mỗi xe máy cày kéo chở được khoảng 3 tấn để vận chuyển mía từ ruộng ra đường lớn. Người nông dân phải trả 80.000 đồng/tấn mía cho những chuyến xe này. Do đó, nếu ruộng mía nhà ai, xe tải không vào chở được tận nơi thì buộc phải trả thêm tiền tăng bo.

Bên cạnh đó, vì phân thuốc tăng cao nên vụ mía này ông Tuấn phải đầu tư khoảng 40 triệu đồng/ha mía, tăng từ 8-10 triệu đồng/ha so với năm ngoái.

Ngoài ra, trong vụ mía năm nay người nông dân còn gặp khó khăn trong việc vận chuyển. Vì vậy, một số ruộng mía dù chặt đã nhiều ngày nhưng không tìm được xe chở, phải phơi mía ngoài nắng, ảnh hưởng đến năng suất và chữ đường.

Vì mưa nhiều, ruộng mía lún nên gia đình ông Đặng Văn Huy phải vận chuyển mía bằng xe công nông ra đường bê tông để xe tải chở.

Bà Lê Thị Mỹ Hằng, Phó Trưởng phòng Phát triển nguyên liệu Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa cho biết, hiện tại có khoảng 1.800 hộ nông dân đăng ký nhận đầu tư, mua bán mía với công ty, tổng diện tích gần 9.000ha mía.

Vụ mía này năng suất tăng 10% so với vụ trước. Năng suất bình quân của năm ngoái là 54 tấn/ha thì năm nay khoảng 64 tấn/ha, tăng từ 6-10 tấn/ha. Với giá thu mua mía hiện nay bình quân là 1,1 triệu đồng/tấn (10CCS) cùng với các chính sách hỗ trợ, công ty tin rằng, vụ mía năm nay, đa số nông dân sẽ có lãi.

Clip: Nông dân thị xã Ninh Hòa thu hoạch mía niên vụ 2022 - 2023.

Còn nhiều trăn trở với cây mía

Bên cạnh một số nông dân tiếp tục đầu tư trồng mía cho vụ tới thì ông Huy lại đang tính toán có thể chuyển đổi sang trồng keo. Gia đình ông Huy đầu tư 30ha mía, trong đó có 25ha đất là đi thuê với giá 9-10 triệu đồng/ha/năm. Vụ mía này ông đầu tư hơn 800 triệu đồng. Năm nay dù sản lượng đạt nhưng chữ đường thấp khiến ông không còn mặn mà với cây mía.

“Tôi không gặp nhiều khó khăn khi làm mía nhưng khi thu hoạch mía chữ đường quá thấp nên tôi thấy nản không muốn làm. Tôi sẽ thu hoạch cầm chừng để xem tình hình thế nào, nếu chữ đường không cao tôi dự tính sẽ chuyển sang trồng keo”, ông Huy nói.

Vụ dù mía này năng suất tăng, giá bán có nhích hơn so với năm ngoái nhưng nông dân ít lãi vì chi phí đầu tư tăng cao.

Còn ruộng mía của gia đình anh Nguyễn Đức Truyền, thôn Tân Phong, xã Ninh Xuân đã được thu hoạch nhưng phải đợi 3-4 ngày mới có xe chở, mía phải phơi mình ngoài nắng nên anh khá lo lắng. Trong khi đó, phân thuốc tăng cao, nhân công chặt mía khó tìm nên đợi thu hoạch xong anh cũng sẽ tính toán xem có nên đầu tư cho vụ tiếp theo hay không. Nếu không đạt anh cũng dự tính chuyển sang trồng khoai mì.

Một số nông dân khác ở xã Ninh Xuân cũng cho biết sẽ tiếp tục đầu tư, chăm sóc cho diện tích mía hiện tại nhưng vẫn tính phương án sẽ trồng thêm khoai mì.

Theo Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa, niên vụ mía 2022-2023, toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 9.114ha mía, giảm hơn 3.429ha so với niên vụ trước.

Châu Tường