Văn hoá

Khánh Hòa: Khai mạc Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2022

Đông đảo người dân theo tín ngưỡng thờ thần Thiên Y A Na từ miền Trung đến miền Nam về dự Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2022.

Ngày 21/4, tại Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2022 chính thức được khai mạc.

Theo truyền thuyết, Thiên Y A Na Thánh Mẫu (người Chăm gọi là Po Inư Nagar) là người “Mẹ xứ sở”, có công dạy nhân dân cách làm ăn, giáo hóa văn minh, đem lại cuộc sống hòa bình, no đủ. Bà là vị phúc thần của nhân dân Khánh Hòa, các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, được nhân dân tôn kính, thờ phụng.

Tiết mục văn nghệ tại lễ khai mạc do các nghệ sĩ người Chăm biểu diễn.

Bên cạnh việc dâng lễ, dâng hương các đoàn cũng sẽ biểu diễn múa dâng Mẫu trong trang phục truyền thống.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Tháp Bà Ponagar 2022 cho biết lễ hội Tháp Bà Ponagar được tổ chức hàng năm với mục đích ca ngợi và ghi ơn công đức của Thánh Mẫu Thiên Y A Na – bà mẹ xứ sở để cầu mong quốc thái dân an, bệnh tật tiêu tan, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc.

“Tháp Bà Ponagar Nha Trang là di sản văn hóa tiêu biểu, nổi bật của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và của cả nước nói chung, được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1979; lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012.

Đây là niềm vinh dự tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm của chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị, tôn vinh nét đẹp về giá trị tâm linh tín ngưỡng của di tích đến với du khách trong nước và quốc tế”, ông Hoa nói.

Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại lễ khai mạc.

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đánh trống khai hội.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa cho biết lễ hội kéo dài từ ngày 20 đến 23/4 (nhằm ngày 20 đến 23/3 âm lịch). Đây là hoạt động văn hóa giao thoa giữa người Chăm và Việt.

 “Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, năm nay được về tham dự lễ hội, cúng Mẫu nên bà con nhân dân rất phấn khởi, vui mừng. Năm nay, có trên 100 đoàn từ các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung Bộ về dự lễ, dâng hương tại tháp.

Trong quá trình thực hiện có một số đoàn chưa kịp đăng ký thì ban tổ chức cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đoàn được dâng lễ Mẫu, múa hát tán dương công đức của Mẫu”, ông Dũng cho biết.

Từ ngày 20 đến 23/3 âm lịch hàng năm, hàng nghìn người dân và du khách nô nức hành hương về phố biển Nha Trang dự Lễ hội Tháp Bà Ponagar.

Đoàn đại biểu của tỉnh Khánh Hòa lên tháp chính để dâng lễ.

Ngoài ra, trong lễ hội còn có nhiều hoạt động như các nghi thức cúng, các đoàn về dâng hương, các nghi thức lễ cúng truyền thống, múa dâng cúng Mẫu, lễ cầu quốc thái dân an… 

Ông Dũng cho biết: “Lễ hội Tháp Bà Ponagar là lễ hội truyền thống, tuy nhiên trong đó vẫn có những nét văn hóa đặc trưng. Qua dịp này, hình ảnh của Lễ hội Tháp Bà Ponagar cũng sẽ được nhiều người biết đến và hiểu được giá trị của di tích lịch sử văn hóa. Chúng tôi hi vọng qua lễ hội, di tích Tháp Bà  Ponagar sẽ thu hút nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu trong thời gian tới”.

Dòng người nhẫn nại xếp hàng chờ đến lượt vào tháp chính để dâng lễ tạ ơn.

Người dân đi lễ dâng hương, cầu cho đất nước hòa bình, nhân dân ấm no và cuộc sống hạnh phúc cho gia đình.

Để lễ hội diễn ra an toàn và trang nghiêm, ban tổ chức đã dựng các nhà tiền chế có ván lót sàn để người dân sắp đặt, trưng bày các lễ vật trước khi dâng lên Mẫu, thực hành tín ngưỡng và nghỉ ngơi. Công tác về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm… cũng được quan tâm hàng đầu trong lễ hội này.

Bà Kiều Thị Hưởng (ngụ Tp.Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) chia sẻ: “Năm nào tới ngày lễ, tôi cũng cùng mọi người về đây cúng và tạ ơn Mẹ Thiên Y A Na, cầu mong cho gia đình một năm nhiều sức khỏe, hạnh phúc và công việc làm ăn được thuận lợi.

Năm trước vì tình hình dịch bệnh nên cúng xong chúng tôi phải về liền, không có sinh hoạt văn nghệ với nhau, năm nay đoàn ở lại một đêm rồi mới về nên tôi thấy rất vui”.

Các đại biểu dâng hương tại tháp chính.

Lễ hội cũng là dịp để người dân, du khách tìm hiểu về nét văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

Cùng với đó, chị Trịnh Thị Trâm (ngụ Tp.Đà Nẵng) cũng cho biết năm nào dịp này chị cũng vào Tháp Bà để cúng Mẫu. “Về đây, tôi cầu mong cho đất nước luôn bình an, dịch bệnh được đẩy lùi để năm nào chúng tôi cũng được đi lễ hội này. Tôi thấy công tác tổ chức chu đáo, trật tự và tôn nghiêm”.

Quần thể Tháp Bà Ponagar là quần thể đền Tháp Champa được xây dựng từ giữa thế kỷ thứ 8, thờ nữ thần Ponagar.

Đồng bào người Chăm mang theo lễ vật về dự Lễ hội Tháp Bà Ponagar.

Sửa soạn lễ vật cúng Mẫu.

Đồng bào người Chăm sửa soạn mâm cơm cúng Mẫu.

Lễ hội là dịp để đồng bào người Chăm bày tỏ lòng tưởng nhớ đến Mẹ xứ sở Po Inư Naga.

Phút dừng chân, nghỉ ngơi của khách hành hương.

Lễ hội Tháp Bà Ponagar được tổ chức hàng năm để ca ngợi và ghi ơn công đức của Thánh Mẫu Thiên Y A Na cầu mong quốc thái dân an, bệnh tật tiêu tan, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc.

Clip: Đông đảo người dân, du khách về dự lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2022.

Châu Tường