Sự kiện

Khánh Hòa: Đánh thức tiềm năng để trở thành lợi thế phát triển

Sáng 31/3, tại Tp.Nha Trang, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo khoa học “Khánh Hòa 370 năm xây dựng và phát triển (1653 – 2023)”.

Nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng phát triển chưa tương xứng

Tham dự hội thảo có khoảng 200 đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh Khánh Hòa; các học giả, nhà nghiên cứu, nhà khoa học; liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật các tỉnh; các sở, ban, ngành, địa phương… trong tỉnh.

Hội thảo nhận được 146 bài viết, tham luận trên nhiều lĩnh vực như lịch sử, địa lý -môi trường - thiên nhiên, giáo dục – đào tạo, nguồn nhân lực, con người, kinh tế phát triển, kinh tế biển, văn hóa, quốc phòng, an ninh… Ban tổ chức đã chọn ra 11 tham luận để trình bày tại hội thảo.

Sáng 31/3, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức hội thảo khoa học 370 năm xây dựng và phát triển (1653 - 2023). (Ảnh: Đ.T).

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết tính từ năm 1653 đến nay, Khánh Hòa vừa tròn 370 năm xây dựng và phát triển. Trong quá trình lịch sử đó, cộng đồng các dân tộc tại Khánh Hòa đã cần cù lao động, đoàn kết với nhau để ứng phó với thiên nhiên khắc nghiệt, tạo nên một “Xứ trầm, biển yến” với nền văn hóa phong phú và độc đáo, thống nhất trong đa dạng.

Ông Toàn cho biết sau 2 năm tăng trưởng âm do Covid-19, năm 2022, GRDP của tỉnh tăng 20,7%, cao nhất trong 10 năm qua và là tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất cả nước. Quý 1/2023, đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì, đạt 9,07%, đứng thứ 4 cả nước.

Hiện nay, Khánh Hòa đã được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, đang trong quá trình thẩm định, phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Tp.Nha Trang đến năm 2040 và Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm.

Ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Châu Tường).

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung xung quanh những vấn đề về giá trị lịch sử, tiềm năng và lợi thế, khát vọng xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa giàu đẹp, văn minh.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm hội đồng tư vấn kinh tế Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết tỉnh Khánh Hòa có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển.

Tỉnh này có những điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển hiện đại với đường bờ biển dài 385km; có nhiều vịnh, đầm, cảng biển; những bãi biển đẹp; hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ. Bên cạnh đó, đây còn là nơi giao thoa, hội tụ văn hóa đặc sắc: văn hóa biển và văn hóa Tây Nguyên, các tôn giáo và tín ngưỡng…

Vấn đề đặt ra ở đây là tuy các điều kiện phát triển của tỉnh rất tốt nhưng về cơ bản đều là tiềm năng; những lợi thế phát triển hạng nhất của tỉnh cho đến nay chủ yếu được nhận diện ở cấp độ “lợi thế so sánh”, chưa chuyển hóa thành “lợi thế cạnh tranh”. Do đó, chưa tạo ra lợi ích phát triển và sự giàu có cho tỉnh.

Vì vậy, địa phương phải xác lập tầm nhìn, cách tiếp cận phát triển mới như quy hoạch lại phát triển tỉnh trên tất cả các tuyến và các cấp, nhận diện lại tiềm năng và lợi thế phát triển của tỉnh; tăng cường liên kết, tạo sức mạnh cộng hưởng; xác định vị thế mới với sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả từ trung ương.

PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: Châu Tường).

Nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc cho rằng con số 370 năm mà chúng ta chọn kỷ niệm chỉ là một cái mốc tương đối của lịch sử. Đó là kết quả của lịch sử quan hệ bao gồm cả sự hòa hiếu và xung đột kéo dài giữa 2 quốc gia cổ đại tồn tại trên lãnh thổ ngày nay của nước Việt Nam là Đại Việt và Champa.

Bởi vậy, nói đến lịch sử của vùng đất tỉnh Khánh Hòa ngày nay không chỉ là lịch sử bắt đầu từ 370 năm trước mà bao gồm toàn bộ lịch sử từ khi con người tồn tại trên vùng đất này và đến nay là một bộ phận - một đơn vị hành chính cấp tỉnh của nước Việt Nam đương đại. Chính những di sản của quá khứ sẽ là bệ đỡ để sự tiếp nhận và hội nhập có cơ sở phát triển một cách bền vững trên mảnh đất Khánh Hòa.

Nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc. (Ảnh: Châu Tường). 

Những giải pháp để phát triển kinh tế bền vững

Với tham luận “Khai thác giá trị tài nguyên, môi trường biển, đảo và phát triển kinh tế bền vững”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết tỉnh Khánh Hòa có lợi thế vượt trội về biển và tiềm năng phát triển kinh tế biển lớn.

Tuy thời gian gia, các ngành lĩnh vực kinh tế biển đã có những kết quả nhất định nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đạt được các mục tiêu đề ra; chưa thu hút được các ngành có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn…

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đã đưa ra một số giải pháp hướng tới một nền kinh tế biển xanh, bền vững ở Khánh Hòa trong thời gian tới như phải bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển; quản lý tổng hợp biển và vùng bờ biển theo cách tiếp cận không gian; phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái biển, ven biển bị suy thoái; bảo tồn đa dạng sinh học biển, đảo gắn với du lịch sinh thái và sinh kế bền vững.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền và giáo dục về tài nguyên đảo cần được quan tâm và thường xuyên tiến hành, đặc biệt là cộng đồng với các hình thức đa dạng và hiệu quả.

Mặt khác, tỉnh cần phải xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ biển đạt trình độ khu vực và quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực biển có chất lượng cao, có kỹ năng nghề biển đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ hiệu quả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế biển đất nước.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh và mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực; rà soát, bố trí lại không gian phát triển và bảo tồn để bảo đảm tính liên kết và giảm thiểu xung đột lợi ích trong phát triển kinh tế biển…

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đưa ra các giải pháp để phát triển kinh tế biển xanh và bền vững. (Ảnh: Châu Tường).

Trong khi đó, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công Thương) cho rằng để phát triển kinh tế, tỉnh Khánh Hòa cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp số, công dân số tạo thành xã hội số.

“Tỉnh Khánh Hòa cũng cần phải thực hiện tăng trưởng bao trùm. Nghĩa là, không chỉ tập trung nguồn lực cho những vùng có ưu thế cạnh tranh tốt nhất, tạo ra giá trị cao nhất mà cũng phải chú ý đến vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để cùng phát triển”, ông Tuyển nói.

Khoảng 200 đại biểu đã tham dự hội thảo.

Ngoài ra, tại hội thảo, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu cũng tập trung làm rõ các vấn đề như giá trị di sản, bản sắc văn hóa của Khánh Hòa trong chiến lược phát triển văn hóa đất nước và hội nhập quốc tế; vị thế chiến lược của tỉnh Khánh Hòa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa; đào tạo, thu hút, xây dựng đội ngũ trí thức để phục vụ cho nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới…

Châu Tường