Kinh tế

Khánh Hòa có 62 sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2022

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định ban hành kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022.

Theo kế hoạch, định hướng phát triển các sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh Khánh Hòa sẽ theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó ưu tiên phát triển các nhóm ngành chủ lực, có lợi thế của mỗi địa phương.

Năm 2022, tỉnh Khánh Hòa có 62 sản phẩm của 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tham gia chương trình OCOP. Các sản phẩm này được phân thành 4 nhóm ngành gồm thực phẩm, đồ uống, thảo dược và thủ công mỹ nghệ, trang trí.

Trong đó, huyện Vạn Ninh có 18 sản phẩm (chả cá hấp, chả cá chiên, nhang trầm hương, nước uống đóng chai, dừa xiêm, tỏi sẻ, hàu sữa sống, nấm linh chi, nấm bào ngư xám, nước mắm cá cơm, hoa cúc, yến sào…); thị xã Ninh Hòa có 12 sản phẩm (bưởi da xanh, bánh tráng, thịt gà, thảo mộc gội đầu túi lọc, bồ câu thịt, trà dược liệu xáo tam phân, cà phê rang xay, dừa quả, khoai sáp ruột vàng, nước yến sào…).

Huyện Diên Khánh có 2 sản phẩm (gạo, nước uống đóng chai); Tp.Nha Trang có 9 sản phẩm (các sản phẩm chế biến từ rong biển, tổ yến, sữa non tổ yến); huyện Cam Lâm có 4 sản phẩm (xoài Úc của các công ty, hợp tác xã trên địa bàn huyện); Tp.Cam Ranh có 5 sản phẩm (tôm hùm, thịt dê thương phẩm, xoài sấy dẻo, táo, nước sốt).

Huyện Khánh Vĩnh có 2 sản phẩm (bưởi da xanh của các hộ kinh doanh trên địa bàn huyện) và huyện Khánh Sơn có 10 sản phẩm (trà vối túi lọc, măng khô, chuối sấy dẻo, sầu riêng cấp đông, trái sầu tiêng tươi, trái chuối tươi, mật chuối…).

Tổng kinh phí thực hiện chương trình OCOP năm 2022 của tỉnh Khánh Hòa là 9,931 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh là 7,597 tỷ đồng và vốn đối ứng là 2,334 tỷ đồng.

Năm 2022, tỉnh Khánh Hòa có 62 sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, đào tạo, tập huấn và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện chương trình OCOP năm 2022; thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực hiện chương trình tại các huyện, thị xã, thành phố.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành có liên quan hỗ trợ các địa phương hướng dẫn các chủ thể sản xuất hoàn thiện và phát triển sản phẩm tham gia chương trình.

Chủ trì hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và công tác truy xuất ngồn gốc của các sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành.

Tổ chức tham gia các hội chợ OCOP trong và ngoài tỉnh để quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm. Tổ chức đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp tỉnh để chọn sản phẩm thi đánh giá và xếp hạng cấp quốc gia…

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ các chủ thể sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển sản xuất sản phẩm thuộc chương trình OCOP.

Bên cạnh đó, hướng dẫn các chủ thể sản xuất tham gia chương trình thực hiện các hoạt động đảm bảo chất lượng theo quy định chung về ghi hãng hàng hóa, sử dụng mã số mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp – sở hữu trí tuệ theo quy định…

Sở Y tế chủ trì hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể sản xuất tham gia chương trình đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và công tác truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành.

Các sản phẩm OCOP là những sản phẩm chủ lực, có lợi thế, đặc sản của địa phương…

UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình OCOP, phổ biến rộng rãi chủ trương, chính sách của nhà nước cho các đối tượng tham gia kế hoạch thực hiện chương trình.

Hướng dẫn, chỉ đạo cấp xã triển khai thực hiện chương trình theo kế hoạch của UBND cấp tỉnh, xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình cấp huyện, triển khai các bước theo chu trình OCOP.

Tiếp tục hỗ trợ nâng cấp, củng cố, phát triển các sản phẩm đăng ký tham gia năm 2021 không được đánh giá cao (1-2 sao) và các sản phẩm đạt (3-4 sao) dự thi đánh giá nâng hạng sản phẩm năm 2022 đảm bảo kế hoạch đề ra.

Tổ chức đánh giá và xếp hạnh sản phẩm cấp huyện để chọn sản phẩm thi đánh giá và xếp hạng cấp tỉnh năm 2022.

UBND cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động từ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất trên địa bàn đăng ký tham gia chương trình. Trong đó, tập trung những sản phẩm chủ lực, có lợi thế, đặc sản của địa phương…

Châu Tường