Sự kiện

Khánh Hòa ban hành quy chế quản lý, thu chi tiền công đức tại Tháp Bà

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định phê duyệt quy chế quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ tại Di tích lịch sử văn hóa Tháp Bà Ponagar.

Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh mở tài khoản tiền gửi để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

Đối với việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ bằng tiền mặt, Trung tâm cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong thùng công đức, đơn vị thực hiện kiểm đếm định kỳ từ 1 đến 2 lần/tháng. Trong những ngày diễn ra Lễ hội Tháp Bà Ponagar, Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp đột xuất, việc mở thùng công đức sẽ do Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh quyết định để đảm bảo quản lý kịp thời. Khi mở thùng công đức phải có sự giám sát, chứng kiến của các thành viên hội đồng giám sát.

Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào thùng công đức để kiểm đếm chung.

Tiền công đức, tài trợ phải nộp đầy đủ, kịp thời vào tài khoản tiền gửi của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức; tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận; lãi tiền gửi (nếu có) được bổ sung vào tiền công đức, tài trợ để quản lý, sử dụng theo quy định.

Đối với việc tiếp nhận giấy tờ có giá, kim khí quý, đá quý, Trung tâm mở sổ ghi tên các loại hình tiếp nhận này và chịu trách nhiệm về quản lý, sử dụng (bao gồm tổ chức bán đấu giá, bán cho ngân hàng thương mại hoặc đưa vào lưu giữ, trưng bày tại di tích tùy theo yêu cầu quản lý và nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến tặng).

Du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại Tháp Bà Ponagar. 

Số tiền công đức, tài trợ đã tiếp nhận (trừ các khoản công đức, tài trợ có mục đích, địa chỉ cụ thể) sẽ được phân bố sử dụng. Trong đó, trích 10% để tạo nguồn kinh phí tu bổ, phục hồi đối với các di tích khác trên địa bàn cấp tỉnh; trích để lại 25% để chi công tác tổ chức Lễ hội Tháp Bà Ponagar; trích 20% để chi hoạt động thường xuyên của đơn vị; số còn lại, được để lại chi các khoản đặc thù của đơn vị theo quy định.

Ngoài ra, trong quy chế cũng quy định nội dung chi, mức chi bảo vệ và phát huy giá trị di tích trong tỉnh Khánh Hòa; quản lý, sử dụng kinh phí tu bổ, phục hồi di tích; quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức Lễ hội Tháp Bà Ponagar…

Châu Tường