Kinh tế vĩ mô

Khẩn trương trình phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh

Đã có 3 bộ trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Ngày 13/10, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản 7417/VPCP-KSTT gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo nội dung văn bản 7417/VPCP-KSTT, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020, Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 14/7/2021 của Chính phủ và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ), các bộ, cơ quan đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ thực hiện thống kê, rà soát, tính chi phí tuân thủ, cập nhật dữ liệu và xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Đến nay, đã có 3 bộ trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (gồm: Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, trong đó, phương án của Bộ Y tế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1661/QĐ-TTg ngày 04/10/2021).

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ...khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý (đối với các bộ, cơ quan chưa trình phương án).

Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ thống kê, rà soát, tính chi phí tuân thủ, cập nhật đầy đủ, chính xác toàn bộ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ, cơ quan vào phần mềm thống kê, rà soát (bao gồm: Các quy định đang có hiệu lực thi hành và các quy định trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đang được gửi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan) để công khai và sớm đưa cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh vào vận hành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021.

Mới đây, tại buổi làm việc của lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM với UBND Tp.HCM cùng các sở, ngành chiều ngày 12/10, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Dương Anh Đức thông tin về 3 kiến nghị của Tp.HCM đối với Trung ương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh.

Cụ thể, thứ nhất, nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống y tế, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn tiến phức tạp trong giai đoạn sắp tới, thành phố kiến nghị bổ sung các chính sách, quy định tạo điều kiện cho phát triển nguồn nhân lực tại y tế cơ sở.

Kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó sớm bổ sung thêm nhiều loại hình nhân viên y tế cần thiết cho hoạt động y tế cơ sở, điều chỉnh mức lương cơ bản phù hợp, động viên và thu hút cho nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở. Mở rộng loại hình khám chữa bệnh tại nhà và cho phép xã hội hóa các hoạt động khám chữa bệnh tại các Trạm Y tế; cơ chế chính sách cho y tế tư nhân tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19.

Thứ 2, kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố giai đoạn 2022 - 2025.

Thứ 3, để kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng do tác động của đại dịch Covid-19, nhất là các địa phương tăng cường thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị Chính phủ ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Tuệ Minh