Tiêu điểm

Khẩn trương giải ngân gói hỗ trợ ví như nguồn “oxy” cho doanh nghiệp

ĐBQH Nguyễn Như So đề nghị tập trung giải quyết ba nút thắt quan trọng giúp doanh nghiệp vực dậy và trở thành động lực phát triển kinh tế.

Ba nút thắt quan trọng

Thảo luận trên nghị trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng, chống dịch ngày 8/11, ĐBQH Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) bày tỏ, chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn như hiện nay. Để giúp doanh nghiệp vực dậy, đại biểu đề nghị tập trung giải quyết ba nút thắt quan trọng.

Một là, chính sách về tiền tệ, tài khóa tập trung giải quyết hai vấn đề trọng tâm: Cần khẩn trương quyết liệt giải ngân các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp ban hành trong thời gian qua, ví như là nguồn “oxy” cho doanh nghiệp đang “hấp hối” trong đại dịch.

Theo đại biểu Như So, nhiều chính sách chưa bao quát hết các nhóm đối tượng. Việc tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ còn nhiều khó khăn, tỉ lệ thụ hưởng còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp sản lượng giảm nhưng doanh thu vẫn cao hơn so với những năm trước. Lợi nhuận âm do giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu vận chuyển chi phí tăng mạnh, gánh nặng các chi phí vừa sản xuất, vừa chống dịch lại không thuộc nhóm đối tượng hỗ trợ. Hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đóng cửa do dịch bệnh như khách sạn, nhà hàng thì việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho khu vực này thực sự là không có ý nghĩa.

Do vậy, vấn đề đặt ra, quan điểm của các nhà làm chính sách phải thực sự muốn hỗ trợ, khuyến khích và mong muốn cho đi. Từ đó, có cách tiếp cận cởi mở và thân thiện, nhân văn hơn. Chỉ cần tối giảm và rút gọn các thủ tục rườm rà, thiện chí và linh động, xét duyệt cho đối tượng. Tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ quý giá này.

Đại biểu Như So cho rằng cần nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, tạo cú hích giúp cho các doanh nghiệp tận dụng quãng thời gian còn lại của năm 2021 để tăng tốc hoàn thành kế hoạch.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

“Dịch bệnh còn diễn biến khó lường, doanh nghiệp cần những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Chính phủ đặt ra mục tiêu nợ công năm 2022 là khoảng 44% đến 45% so với GDP và khả thi so với ước thực hiện năm 2021 là 43,7%. Việc kiểm soát lạm phát ở mức 4%, mức này là an toàn cho với trần nợ công 60% GDP. Do vậy, chúng ta còn nhiều dư địa để tiếp tục nghiên cứu, tung ra các gói kích thích đủ lớn, có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng để thúc đẩy phục hồi kinh tế mà vẫn đảm bảo kiểm soát được chỉ tiêu vĩ mô. Các gói hỗ trợ cần lựa chọn đúng, trúng các đối tượng ngành nghề”, đại biểu Như So bày tỏ.

Một vấn đề nữa đó là xác định để nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ cho doanh nghiệp là trung tâm trong chiến dịch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Theo đại biểu Như So, phải lấy tiêu chí nâng cao năng suất lao động làm then chốt, quyết định đến nội lực của doanh nghiệp, đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xóa bỏ rào cản định kiến, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân.

Hai là, cần rà soát, đẩy mạnh hơn nữa việc tinh gọn bộ máy hành chính để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 theo mục tiêu đề án tái cơ cấu kinh tế. Đây là nhiệm vụ then chốt giúp các doanh nghiệp rút gọn được khâu trung gian, đầu mối tiết kiệm được chi phí nguồn lực.

Ba là, phát triển mở rộng thị trường, nhiệm vụ sống còn của phát triển kinh tế. Tuy nhiên, theo đại biểu đoàn Bắc Ninh, hiện nay chúng ta lại phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài. Điều này đã làm cho nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương. Do đó, cần phải có chính sách đột phá nhằm ổn định phát triển thị trường, thực sự có thị trường nội địa, đa dạng hóa thị trường quốc tế, mở rộng môi trường xuất khẩu mới có tiềm năng tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại trực tuyến gắn với chuyển đổi số, mở rộng thị trường, xây dựng trung tâm quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam.

Thận trọng với chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2022

ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cho rằng, kỳ vọng kinh tế tăng trưởng 3-3,5% trong năm nay khó có thể đạt được.

ĐBQH Lê Thanh Vân đưa ra 5 giải pháp trọng tâm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Bởi vì, năm ngoái chúng ta cũng bị đại dịch tấn công với cường độ không mạnh như hiện nay, chúng ta chỉ đạt được 2,91%. Năm nay tôi e rất khó”, đại biểu Vân nói.

Đại biểu này cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng GDP với kỳ vọng tăng bình quân 6,5% cần đánh giá thận trọng hơn vì từ nay đến tháng 6/2022 chúng ta phải có một giai đoạn phục hồi, sau đó mới phát triển được.

Đại biểu đoàn Cà Mau đề nghị có 5 giải pháp trọng tâm để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế: 

Thứ nhất, sắp xếp trật tự ưu tiên theo hướng ưu tiên củng cố và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cao trong quản lý và lãnh đạo các cấp; thứ hai, tập trung rà soát và sửa đổi thể chế; thứ ba, phải đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, vào sản xuất và lưu thông. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ mới vào quá trình quản lý để tiết giảm bộ máy và nhân lực, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển;

Thứ tư, cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư công. Chúng ta đã nhiều lần xác định cơ cấu lại vốn đầu tư công theo hướng tập trung vào những công trình trọng điểm và công trình dang dở để hoàn thành. Tập trung, giữ nghiêm kỷ luật đầu tư công.

Thứ năm, đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cụ thể hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương IV của Văn phòng Trung ương về tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, Kết luận số 14 về bảo vệ cán bộ, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Theo đại biểu Vân, có như vậy mới phát huy được tính năng động, sáng tạo của cán bộ.

Tăng cường các gói hỗ trợ

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho biết đợt bùng phát dịch thứ 4 để lại nhiều hậu quả nặng nề, nhiều doanh nghiệp nguy cơ phá sản, hàng triệu lao động phải hồi hương do mất việc làm. Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có những giải pháp, chính sách đặc biệt, đặc thù để hỗ trợ người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hiện nay; kiến nghị Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra việc triển khai các giải pháp, các gói hỗ trợ để bảo đảm đúng đối tượng, đúng tiến độ. Bởi vì nếu triển khai chậm sẽ có nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường và ứng với đó là nhiều việc làm sẽ bị mất đi.