Sự kiện

Khám sức khoẻ cầu Chương Dương gần 40 năm tuổi

Mỗi ngày có tới hơn 95.000 lượt xe qua cầu Chương Dương, gấp hơn 8 lần so với thiết kế khiến nhiều bộ phận cầu xuống cấp, hư hỏng.

Cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên được hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 1985. Sau gần 40 năm khai thác và sử dụng, nhiều hạng mục, kết cấu của cầu đã bị hư hỏng, xuống cấp gây mất an toàn giao thông.

Do đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kiến nghị Thành phố cho phép triển khai lập dự án sửa chữa cầu Chương Dương sau khi có kết quả kiểm định cầu và kiến nghị các nội dung cần sửa chữa của đơn vị tư vấn (bao gồm cả nội dung lắp đặt tấm chống ồn phạm vi hai đầu cầu Chương Dương).

Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, 23h ngày 22/12, công nhân thuộc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (GTVT) đã tiến hành lập rào chắn, ngăn phương tiện đi vào làn giữa cầu Chương Dương (làn ôtô) để thực hiện kiểm định chất lượng cây cầu.

Việc kiểm định cầu Chương Dương do hai đơn vị phụ trách là Công ty TNHH Giao thông Vận tải và Công ty TNHH Xây dựng Giao thông Vận tải thực hiện. Dự kiến công tác kiểm định sẽ kết thúc vào ngày 31/12 tới đây. Theo đó, kết quả của công tác kiểm định sẽ giúp Sở GTVT đánh giá chính xác nhất về mức độ xuống cấp của cầu Chương Dương để có phương án tu sửa, khắc phục kịp thời và hợp lý nhất.

Hàng chục công nhân cùng nhiều thiết bị hiện đại, công nghệ cao được sử dụng. Hệ thống đánh giá độ võng được đặt ở dưới mặt cầu.

Theo đó, để đánh giá được độ võng, công nhân Ban Duy tu sử dụng một máy GPS chuyên dụng. Thiết bị này còn đo được cao độ của mặt cầu, nhằm đánh giá mặt cầu có các ổ gà, lồi lõm không.

Theo Ban Duy tu, trong thời gian một tháng qua, đơn vị đã tiến hành kiểm tra hầu hết hạng mục của cầu như: Trụ, gối cầu, mặt cầu, dàn thép trên - dưới, khe co giãn...

Để kiểm định đến mức độ võng của cầu, các công nhân sử dụng khoảng 6 xe tải khối lượng 27-30 tấn/xe sẽ đỗ tại 3 điểm để thiết bị máy móc đánh giá độ võng của cầu đang ở mức độ nào.

Các xe tải được đặt ở 3 sơ đồ tải là 3 vị trí 'bất lợi' nhất cho cầu để kiểm tra tình trạng của cầu.

Việc kiểm định lần này sẽ đánh giá một cách tổng thể, để đưa ra giải pháp sửa chữa, bảo dưỡng có tính chất trung hạn do cầu Chương Dương đã được xây dựng từ rất lâu và phải chịu lượng phương tiện với tải trọng lớn.

Quá trình kiểm định, đánh giá, có sự tham gia của nhiều chuyên gia, đồng thời còn có sự giám sát của Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải.

Theo Công ty Công trình giao thông Hà Nội, trong năm 2021, mỗi ngày có tới hơn 95.000 lượt xe qua cầu, gấp hơn 8 lần so với thiết kế. Điều này dẫn đến sự xuống cấp, hư hỏng của nhiều bộ phận cầu.