Tiêu điểm

Khám chữa bệnh từ xa còn “mờ nhạt” trong Luật

Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần phải làm rõ vai trò của việc khám chữa bệnh từ xa, nhất là trong kỷ nguyên chuyển đổi số.

Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là một trong 6 dự án luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV.

Sau gần 11 năm triển khai thực hiện, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật Khám bệnh, Chữa bệnh còn nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có 12 chương, 106 điều, thêm 1 chương (chương IX) so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

Là đại biểu Quốc hội công tác trong ngành y, trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh rằng, việckhám, chữa bệnh hiện nay đã khác nhiều so với trước đây như cách tổ chức, văn hóa sử dụng dịch vụ y tế… Kỹ thuật cũng như công nghệ khám, chữa bệnh hiện nay đã hiện đại hơn, chuẩn mực hơn, đồng bộ hơn và dễ sử dụng hơn.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra trong thời gian dài vừa qua đã cho thấy nảy sinh trong thực tiễn nhưng chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết. Do đó, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh là cần thiết.

Trong nội dung được nhấn mạnh, nguyên Viện trưởng Viện huyết học Trung ương nói rằng, Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) về cơ bản đáp ứng được 80% yêu cầu cần sửa đổi so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

Tuy nhiên, vấn đề ông nhận thấy còn mờ nhạt, chưa được làm rõ đó là việc khám chữa bệnh từ xa. Ông nói rằng, ngành Y càng phải áp dụng tầm nhìn chuyển đổi số vào khám chữa bệnh. Đây cũng là điểm trọng tâm cần phải được xem xét, sửa đổi những nội dung còn bất cập trong Luật.

“Cuộc sống đã thay đổi, công nghệ đã thay đổi và nhu cầu của con người cũng như các tương tác trong xã hội đã thay đổi, quỹ thời gian, điều kiện đi lại của mỗi người cũng khác nhau. Và chúng ta phải nhìn nhận lại để việc khám, chữa bệnh thích ứng với thời đại công nghệ 4.0”, ông Trí nhìn nhận.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

Dẫn ví dụ về việc theo quy định BHYT hiện nay, BHYT sẽ chỉ chi trả, thanh toán cho bệnh nhân khi họ đi chụp phim và có phim, nếu không có phim chụp thì không thanh toán.

Ông Trí nhấn mạnh rằng, bây giờ công nghệ hiện đại, chúng ta hoàn toàn có thể không cần cầm phim chụp trực tiếp mà có thể chuyển sang dạng “hình ảnh mềm” số hóa, thậm chí có thể gửi vào điện thoại của bệnh nhân hoặc gửi cho các bác sỹ giỏi ở xa để chẩn đoán.

“Phải hiểu rằng, áp dụng sớm và nhân rộng mô hình khám, chữa bệnh từ xa thì bệnh nhận sẽ có điều kiện gặp được nhiều bác sỹ giỏi hơn để khám, chữa bệnh nhanh chóng, thuận tiện hơn”, ĐBQH Nguyễn Anh Trí bày tỏ.

Dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được xây dựng theo hướng “lấy người bệnh làm trung tâm” thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề.

Đồng thời, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.

Theo chương trình, tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 5 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến vào 6 dự án luật khác. Cùng với đó, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Quốc hội sẽ xem xét thông qua 5 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết gồm: Luật cảnh sát cơ động; Luật điện ảnh (sửa đổi); Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ.

Các nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Quốc hội cho ý kiến 6 dự án luật gồm: Luật dầu khí (sửa đổi); Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật thanh tra (sửa đổi); Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tần số vô tuyến điện; Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).