Thế giới

Khai trương tuyến đường sắt xuyên biên giới Trung-Lào

Tuyến đường sắt sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa Thủ đô Viêng Chăn của Lào và khu vực biên giới Trung Quốc-Lào từ 2 ngày xuống chỉ còn 3 giờ.

Trung Quốc hôm 3/12 đã khởi động tuyến đường sắt xuyên biên giới đầu tiên trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trị giá hàng tỷ USD từ Lào.

Tuyến đường sắt trị giá 6 tỷ USD này sẽ Lào trở thành trung tâm kết nối đường bộ, thúc đẩy kết nối khu vực và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Lào Thongloun Sisoulith đã cùng chứng kiến việc khai trương tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào qua video hôm 3/12.

Chuyến tàu đầu tiên của Đường sắt Trung Quốc-Lào đã rời Viêng Chăn sau khi tuyến đường sắt xuyên biên giới chính thức đi vào hoạt động, Tân Hoa Xã đưa tin.

Tuyến đường sắt chở khách và hàng hóa dài 1.035 km, nối thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc với thủ đô Vientiane của Lào áp dụng công nghệ hiện đại, bao gồm 2 đoạn.

Việc xây dựng đoạn ở Lào từ thị trấn biên giới Boten đến Viêng Chăn bắt đầu vào tháng 12/2016, và việc xây dựng đoạn ở Trung Quốc từ thành phố Yuxi đến thị trấn biên giới Mohan bắt đầu vào tháng 12/2015.

Là một dự án trong khuôn khổ BRI do Trung Quốc đề xuất và phù hợp với chiến lược của Lào nhằm chuyển mình từ một quốc gia không giáp biển thành một trung tâm kết nối đường bộ, tuyến đường sắt có ý nghĩa to lớn đối với giao lưu kinh tế, xã hội và văn hóa song phương cũng như kết nối khu vực, theo Tân Hoa Xã.

Với tốc độ khai thác tối đa 160 km/h, thời gian di chuyển bằng tàu hỏa từ Côn Minh đến Viêng Chăn mất khoảng 10 giờ, bao gồm cả thời gian làm thủ tục hải quan.

Với 11 ga trên đoạn qua Trung Quốc và 10 ga trên đoạn qua Lào, tuyến đường sắt sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa Viêng Chăn và khu vực biên giới Trung Quốc-Lào từ 2 ngày xuống chỉ còn 3 giờ, và chuyến tàu từ Viêng Chăn đến Côn Minh có thể được thực hiện trong đêm.

Đây là dự án xuyên biên giới đầu tiên trong khuôn khổ BRI của Trung Quốc.

Được ra mắt vào năm 2013, chiến lược đầu tư toàn cầu, với tên gọi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), là một dự án mang dấu ấn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bắc Kinh cho biết họ đã đầu tư 139,8 tỷ USD tính đến năm 2020, trong đó có 22,5 tỷ USD chỉ tính riêng năm ngoái.

Kế hoạch này, đôi khi còn được biết đến với tên gọi “Con đường Tơ lụa Mới” (New Silk Road), nhằm phát triển cơ sở hạ tầng trên bộ và trên biển để kết nối tốt hơn giữa Trung Quốc với châu Á, châu Âu và châu Phi cho mục đích giao thương và phát triển. BRI đã thu hút sự tham gia của nhiều đối tác trên khắp thế giới.

Minh Đức (Theo The Hindu, DW)