Đời sống

Khai quật mộ hoàng đế thời Tây Hán, chấm dứt tin đồn tồn tại nhiều năm

Lăng mộ niên đại 2.000 năm ở Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, cuối cùng đã được xác định là của Hán Văn Đế Lưu Hằng - hoàng đế của triều đại Tây Hán.

Theo Tân Hoa Xã, lăng mộ nằm ở làng Giang Thôn, ngoại ô phía đông Tây An, được bao quanh bởi hơn 100 ngôi mộ cổ và hố chôn bên ngoài.

 Lăng mộ Hán Văn Đế Lưu Hằng nằm ở Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Có 4 đường dốc dẫn lối vào lăng được xây dưới lòng đất từ 2 đến 4,5m. Lăng mộ dài 74,5m; rộng 71,5m; với phần móng cách mặt đất từ 27 đến 30m.

Lăng mộ cổ được xác định thuộc về Hán Văn Đế Lưu Hằng, vị hoàng đế thứ 3 của triều đại Tây Hán (206 TCN - 25 SCN). Hán Văn Đế Lưu Hằng chính là con trai của Hán Cao Tổ Lưu Bang - người sáng lập ra nhà Tây Hán, và là ông nội của Hán Vũ Đế Lưu Triệt - người cử sứ giả tới Trung và Tây Á, khám phá ra các cung đường mà sau này gọi là Con đường Tơ Lụa.

Trong sử sách Trung Quốc, Hán Văn Đế là một minh quân, thiết lập và cai trị quốc gia Đại Hán trở nên thái bình thịnh trị sau nhiều năm biến động. Ông nổi tiếng với các biện pháp tiết kiệm, giảm nhẹ hình phạt, tô thuế. Dưới triều đại của Hán Văn Đế, kinh tế trở nên thịnh vượng trong khi dân số ngày càng mở rộng.

Các bức tượng được khai quật từ lăng mộ Hán Văn Đế. Ảnh: Xinhua.

Thực tế việc khai quật lăng mộ được tiến hành từ năm 2017 và các nhà khảo cổ đã thu thập được nhiều di vật như các bức tượng bằng gốm, nỏ, ấn đồng,... Họ còn tìm thấy một số ký tự tiếng Trung được khắc trên các ấn đồng với ý nghĩa như “bãi để xe ngựa” hay “ấn nhà kho”. Điều này chứng tỏ, các hố xung quanh lăng mộ hoàng đế đại diện cho các cơ quan của nhà nước phong kiến thời đó.

Triện được phát hiện trong lăng mộ Hán Văn Đế ở Tây An. Ảnh: Xinhua.

Quy mô, hình dáng và cấu trúc của lăng mộ ở Tây An đều trùng khớp với cấp độ cao nhất của các ngôi mộ được xây dưới thời Tây Hán. Ngoài ra, các ngôi mộ của thái hậu và hoàng hậu thời Hán Văn Đế cũng được bố trí quanh lăng mộ. Trong lăng mộ thái hậu, các nhà khảo cổ khai quật được hàng trăm món trang sức bằng vàng, bạc với phong cách trang trí kỳ lạ. Họ cho rằng, đây là đồ do các tộc người sống ở vùng thảo nguyên dâng lên cho hoàng gia.

"Phát hiện này đã lấp đầy chỗ trống về “sự tiến hóa” của các lăng mộ hoàng đế thời Tây Hán", Cao Long, nhà nghiên cứu tại Học viện Khảo cổ Thiểm Tây, chia sẻ với Thời báo Hoàn cầu hôm 14/12.

Trước đó có thông tin cho rằng lăng mộ Hán Văn Đế nằm ở một địa điểm gần đó được gọi là Phượng Hoàng Chuỷ (ngay phía bắc của làng Giang Thôn), do tại đây người ta phát hiện ra một tấm bia đá cổ có dòng chữ. Nhưng việc phát hiện lăng mộ đã chấm dứt tin đồn này. Hơn nữa các nhà khảo cổ học Trung Quốc cũng không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu xây dựng nào ở Phượng Hoàng Chuỷ trong quá trình điều tra và cuối cùng kết luận đây chỉ là một vùng hoàng thổ hình thành tự nhiên.

Theo truyền hình trung ương Trung Quốc, lăng mộ Hán Văn Đế không có gò đất nên nhìn từ bên ngoài khó có thể nhận ra đây là lăng mộ. Việc phát hiện ra lăng mộ là do một cuộc đấu giá các cổ vật được lấy từ đây.

Năm 2002, 6 cổ vật do mộ tặc lấy ra từ lăng mộ ở Tây An được đem đấu giá ở Mỹ. Chính phủ Trung Quốc đã dùng đến các biện pháp ngoại giao và ngăn được việc bán đấu giá. Các cổ vật được gửi trả về thành phố Tây An năm 2003. Chính quyền thành phố sau đó xác nhận chúng thuộc về lăng mộ Hán Văn Đế.

Lăng mộ Hán Văn Đế nằm trong số ba phát hiện khảo cổ lớn được Cục Di sản Văn hóa Quốc gia Trung Quốc công bố tại Bắc Kinh hôm 14/12.

Minh Hoa (t/h theo Lao Động, Dân Việt)