Văn hoá

Khai hội lễ tạ ơn rừng của đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam

Lễ hội mang ý nghĩa tâm linh của người dân Cơ Tu ở vùng đồi núi Tây Giang, thể hiện sự tôn trọng thiên nhiên…

Ngày 21/2, tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, lễ hội Khai năm tạ ơn rừng đã được diễn ra. Đây là hoạt động mang ý nghĩa tâm linh của người dân Cơ Tu ở vùng này. Và, đây là năm thứ 2, hoạt động được nâng tầm thành lễ hội, được tổ chức bài bản, trên quy mô lớn.

Đây là lễ hội khá đặc biệt của người dân Cơ Tu ở huyện Tây Giang.

Nhiều già làng cho biết, lễ hội Khai năm tạ ơn rừng được thực hiện với hy vọng cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, vật thịnh, thể hiện tinh thần tôn trọng thiên nhiên. Trong tâm thức người Cơ Tu, ở rừng có thần rừng, ở làng có Giàng. Cả hai vị thần này đều bảo vệ con người nên những lễ hội như thế này là để nhớ ơn các vị ấy.

Đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang sống chủ yếu phụ thuộc vào rừng nên đồng bào luôn ý thức việc giữ rừng như giữ nguồn sống của mình. Việc khôi phục, phát triển lễ hội này được người dân đồng tình ủng hộ.

Ông Bhriu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết, lễ hội này được tổ chức gồm 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ thực hành các nghi lễ liên quan đến phong tục cúng rừng theo truyền thống như nghi lễ dựng cây nêu, lễ cúng hiến trâu, khóc tế trâu, cúng đầu trâu, lễ cúng khai năm mới tạ ơn rừng. Về phần hội có các trò chơi dân gian ném và đâm vòng, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ… Đây là những trò chơi gắn liền với bà con ở vùng đồi núi này.

Việc phát triển lễ hội được nhiều đồng bào đồng tình, ủng hộ.

Ngoài ra, nhằm phát triển lễ hội này, huyện Tây Giang còn thực hiện các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các trò chơi dân gian gắn với du lịch khám phá, trải nghiêm rừng cây di sản pơmu, rừng hoa đỗ quyên trên đỉnh K’lang, các điểm du lịch sinh thái như thác R’cung, điểm dừng chân Azứt, đỉnh Quế…