Đối thoại

"Khắc phục hiện tượng cán bộ e ngại khi tiếp xúc với báo chí"

Các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường trao đổi thông tin chủ động cho báo chí để hình thành đầu mối, xây dựng mối quan hệ trong công tác giữa hai bên.

Nhân kỷ niệm 97 năm, ngày truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam, Người Đưa Tin đã có buổi trao đổi với Tổng Cục trưởng Tổng cục thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), ông Trần Đình Luân về tầm quan trọng của công tác phối hợp giữa báo chí và các cơ quan chức năng.

                            Báo chí, cầu nối thông tin trung thực

NĐT: Ngành thuỷ sản Việt Nam đang có nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là gỡ “thẻ vàng IUU. Một trong những giải pháp quan trọng là nâng cao công tác tuyên truyền đến với đông đảo người dân. Ông đánh giá ra sao về vai trò của báo chí trong việc sát cánh cùng ngành thuỷ sản để thực hiện nhiệm vụ này?

Ông Trần Đình Luân: Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị vào cuộc trong việc tháo gỡ “thẻ vàng” IUU, báo chí đã đóng góp rất lớn trong việc thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp và các chỉ đạo từ trung ương đến các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và ngư dân; qua đó đã đóng góp hiệu quả trong công tác truyền tải thông tin, tuyên truyền và góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.

NĐT: Về mặt đối ngoại, báo chí có tác động ra sao trong việc tuyên truyền chủ trương chính sách của Nhà nước nói chung, ngành thuỷ sản nói riêng đến các tổ chức quốc tế, các Hiệp hội doanh nghiệp và người dân nhằm làm thay đổi quan điểm, góc nhìn đánh giá về thuỷ sản Việt Nam?

Ông Trần Đình Luân: Trong nhiều năm qua, báo chí đã có vai trò quan trọng, truyền tải các chính sách trong ngành thủy sản và quảng bá sản phẩm thủy sản của Việt Nam ra quốc tế, là cầu nối quan trọng trong việc tiếp cận thị trường. Qua đó, thủy sản Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường quốc tế, sản phẩm thủy sản đã có trên hầu hết các thị trường, kể cả các thị trường khó tính.

NĐT: Xin ông cho biết làm sao để báo chí thực sự là cầu nối thông tin quan trọng giữa chính quyền và người dân?

Ông Trần Đình Luân: Cơ quan quản lý nhà nước luôn đồng hành với cơ quan báo chí; báo chí là cầu nối thông tin quan trọng giữa cơ quan Nhà nước và tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên để khắc phục hiện tượng cán bộ e ngại khi tiếp xúc với báo chí cần:

Thứ nhất, cơ quan báo chí tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Xây dựng đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, đặt lợi ích của quốc gia, của nhân dân lên hàng đầu. Cần đổi mới, áp dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động để báo chí tiếp tục phát triển mạnh mẽ.  

Thứ hai, cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường trao đổi thông tin, có sự chia sẻ thông tin chủ động cho báo chí để hình thành đầu mối, xây dựng mối quan hệ trong công tác giữa hai bên.

Việc phối hợp truyền thông cần được thực hiện cởi mở, chia sẻ với các góc nhìn khác nhau và cơ bản nhất đó là mục tiêu lấy thông tin tuyên truyền để làm cho các bên hiểu và từ đó cùng nhau triển khai có hiệu quả.

                            Cần sự phối hợp chủ động từ cả hai phía

NĐT: Theo ông, báo chí và cơ quan chức năng cần thực hiện công tác phối hợp ra sao để công tác tuyên truyền được phổ cập đến đông đảo người dân?

Ông Trần Đình Luân: Báo chí và cơ quan chức năng cần có sự phối hợp trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quá trình triển khai thực hiện văn bản và quan trọng là trong công tác chỉ đạo, điều hành lĩnh vực mình phụ trách. Cụ thể,

Thứ nhất, Trong quá trình xây dựng văn bản, báo chí cũng có thể tham gia đưa tin dự thảo các chính sách đến đông đảo các tổ chức, cá nhân để góp ý, phản biện khi đó văn bản khi được ban hành sẽ có chất lượng và bám sát thực tiễn hơn;

Thứ hai, Khi văn bản được ban hành, báo chí đưa tin, “tiếp thị” các nội dung của chính sách được ban hành đông đảo tổ chức, cá nhân nắm bắt và sớm đi vào cuộc sống.

Thứ ba, một số chỉ đạo điều hành liên quan đến ngành, lĩnh vực khi có sự đưa tin của báo chí sẽ nhanh chóng đến với các tổ chức, cá nhân;

Thứ tư, báo chí sẽ là kênh nhanh chóng truyền đạt thông tin, phản biện xã hội đối với các hoạt động của cơ quan quản lý và việc áp dụng pháp luật, tình hình phát triển của ngành, lĩnh vực để các bên có thông tin, kịp thời xử lý.

NĐT: Nhân kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin ông cho biết ý kiến về những đóng góp của báo chí, truyền thông trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước?

Báo chí, truyền thông ngày càng thể hiện vai trò, vị thế quan trọng, đã và đang đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội; giúp truyền tải thông tin trung thực, trợ giúp các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác điều hành, quản lý xã hội; giúp thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp trong xã hội; giúp cho người dân và doanh nghiệp nắm được các chủ trương đường lối, các quy định để từ đó có thể triển khai được tốt; thông qua báo chí cũng là kênh thông tin phản hồi, góp ý để các cơ quan quản lý có những giải pháp… và điều chỉnh cho phù hợp.

NĐT: Xin cám ơn ông!

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp năm 2021, nhiều lĩnh vực kinh tế gần như tê liệt thì thủy sản Việt Nam đã tạo lên kỳ tích khi xuất khẩu toàn ngành đạt gần 9 tỷ USD. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường khó tính như Hoa Kỳ lần đầu tiên đạt 2 tỷ USD.

Bước sang năm 2022, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 9 tỉ USD. Tổng sản lượng thu hoạch 8,73 triệu tấn. Trong đó, sản lượng khai thác 3,78 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng 4,95 triệu tấn.