TV Show

Khả năng nhìn người của Lưu Bị không hề thua kém Gia Cát Lượng

Mã Tốc có tài, thích bàn luận việc quân sự nên Gia Cát Lượng rất trọng vọng ông. Nhưng Lưu Bị trước khi mất lại khuyên Gia Cát Lượng không nên trọng dụng Mã Tốc vì ông là người khoác lác và hay nói quá sự thật.

Gia Cát Lượng (181–234), tự là Khổng Minh, hiệu là Ngọa Long tiên sinh, là nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất của Trung Quốc trong thời Tam quốc. Ông làm đến chức thừa tướng của nhà Thục, dưới trướng của Lưu Bị.

Ngoài nhiệm vụ hiến kế đánh giặc, khôi phục Hán thất, ông cũng không ngừng tìm kiếm và bồi dưỡng nhân tài cho quốc gia. Hoàn cảnh đó khiến Gia Cát Lượng phải có cái nhìn chính xác về những người mà ông có ý định trọng dụng, để tránh phải nuôi ong tay áo, đồng thời không bỏ sót nhân tài cho đất nước.

Gia Cát Lượng là nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất.

Tuy nhiên, ngoài Gia Cát Lượng thời thời Tam quốc còn có hai nhân vật kiệt xuất là Lưu Bị và Tào Tháo. Họ đều là người rất giỏi phát hiện, chiêu mộ trọng dụng hiền tài.

Nếu chỉ nhìn bề ngoài tương quan lực lượng thì đa phần đều nói Tào Tháo mới là người giỏi chiêu mộ và sử dụng hiền tài. Nhưng trên thực tế, tuy nhân tài của Tào Tháo rất nhiều, nhưng vì Tào Tháo là thế lực mạnh nhất Tam quốc nên hiền tài cũng tự động đến đầu quân dưới trướng Tào Tháo. Còn Lưu Bị mới là người có con mắt nhìn người và dùng người tinh tường. Những nhân tài dưới trướng Lưu Bị đều là do ông tự phát hiện, chiêu mộ.

Đương thời thuộc hạ của Lưu Bị có rất nhiều người tài giỏi, nhưng ông là người biết rất rõ tính cách và tài năng của từng người mà dùng đúng việc đúng chỗ.

Lưu Bị và Tào Tháo đều là người rất giỏi phát hiện, chiêu mộ trọng dụng hiền tài.

Ví dụ dưới trướng ông có 5 anh em nhà Mã Lương đều là những hiền tài hiếm có, trong đó Mã Lương lại là người kiệt xuất nhất. Lưu Bị rất tín nhiệm anh em nhà Mã Lương. Bản thân Mã Lương cũng từng đảm nhiệm vai trò phò tá thân cận cho Lưu Bị.

Em trai Mã Lương là Mã Tốc cũng là người nổi tiếng có tài thao lược, nhưng Lưu Bị sớm nhìn thấy tính cách ba hoa khoác lác của anh ta.

Mã Tốc theo anh đến phục vụ Lưu Bị. Ông được bổ nhiệm làm Tòng sự Kinh Châu. Năm 214, Lưu Bị đánh chiếm Tây Xuyên của Lưu Chương, Mã Tốc được gọi vào Thục giữ chức Thành Đô lệnh, Thái thú quận Việt Tuyển.

Khả năng nhìn Lưu Bị không hề thua kém Gia Cát Lượng.

Tương truyền, Mã Tốc có tài học hơn người, rất thích bàn mưu tính kế. Thừa tướng nước Thục Gia Cát Lượng đối với Mã Tốc vô cùng coi trọng. Tuy nhiên, Tiên chủ Lưu Bị trước khi lâm chung ở thành Bạch Đế từng gọi Gia Cát Lượng đến dặn dò. Khi ấy Mã Tốc đi theo Gia Cát Lượng, đứng túc trực bên long sàng. Lưu Bị cho Mã Tốc lui, hỏi riêng Gia Cát Lượng rằng: “Thừa tướng coi tài Mã Tốc thế nào?”. Gia Cát Lượng đáp: “Thần thấy người ấy cũng là bậc nhân tài đời nay”. Lưu Bị lắc đầu: “Không phải! Trẫm thấy người ấy khoe khoang vượt quá thực tài, nói thì nhiều mà làm thì kém, không nên uỷ thác đại sự. Khanh cần xét thật kỹ mới được”.

Nhưng Gia Cát Lượng vẫn giữ Mã Tốc ở bên mình, cho giữ chức Tham quân, thường thảo luận việc quân cơ, chiến lược. Bản thân Mã Tốc cũng coi Gia Cát Lượng là thầy, tự nhận rằng mình học được rất nhiều điều từ ông.

Mã Tốc (190-228) hay còn gọi Mã Tắc là tướng nhà Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. (Ảnh trong phim Tam quốc diễn nghĩa 1996).

Theo Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, năm 228, Gia Cát Lượng mang quân đánh Ngụy lần thứ nhất. Ngụy Minh Đế Tào Tuấn sai Tư Mã Ý và Trương Cáp mang quân ra địch.

Để đối địch với danh tướng Trương Cáp, mọi người đều cho rằng nên dùng mãnh tướng Ngụy Diên hoặc Ngô Ý đã dày dạn kinh nghiệm trận mạc, nhưng Gia Cát Lượng lại chọn Mã Tốc làm tiên phong. Ông được lệnh cùng Vương Bình cầm quân khẩn cấp ra trấn thủ Nhai Đình.

Đến Nhai Đình, Mã Tốc làm ngược lại với phương án chỉ huy của Gia Cát Lượng. Mã Tốc không đóng quân ở nơi đường gần sông là chỗ có nước cho quân dùng, mang 2 vạn quân trấn giữ trên núi với phương án "trên núi đánh xuống, thế như chẻ tre". Vương Bình nhiều lần phản đối, nhưng Mã Tốc không nghe. Cuối cùng, Vương Bình đành xin Mã Tốc cho 5000 người ngựa ra đóng trại dưới chân núi.

Trương Cáp theo sự chỉ đạo của Tư Mã Ý đã mang quân vây trại của Mã Tốc trên núi, rồi cắt đứt đường nước. Quân Thục thiếu nước, hoảng loạn. Trương Cáp dồn sức tấn công phá tan Mã Tốc. Cánh quân Mã Tắc bỏ chạy tán loạn. Nhai Đình thất thủ. Đại quân Thục không thể tiến nữa, buộc phải lui về Hán Trung. Gia Cát Lượng vô cùng hối hận đã không nghe lời cảnh báo của tiên đế Lưu Bị để hôm nay phải chịu thất bại này.

Để làm nghiêm quân pháp, Gia Cát Lượng hạ lệnh giam Mã Tốc vào ngục đợi ngày xử tử hình. Trước khi bị chém, Mã Tốc viết thư cho Gia Cát Lượng, xin hãy nâng đỡ cho con mình. Tướng sĩ nước Thục đều thương xót ông. Khi bị chém, Mã Tốc mới 38 tuổi.

Quốc Tiệp (t/h)