Giáo dục

Kết quả tuyển sinh lớp 10 TP.HCM: Vì sao môn Ngữ văn đạt kết quả cao?

Ngày 27/7, lãnh đạo sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM chính thức công bố kết quả tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021. Trong các môn tuyển sinh, môn Ngữ văn có nhiều điểm 10 nhất, có kết quả cao vượt trội so với hai môn còn lại.

Theo đó, có 49,27% thí sinh đạt điểm dưới 5 môn tiếng Anh; 48,63% thí sinh đạt điểm dưới 5 môn Toán; Ngữ văn có tỉ lệ thí sinh đạt từ 8 điểm trở lên khá cao, không có thí sinh đạt điểm 10. Môn Toán có 408 thí sinh đạt điểm 10. Môn tiếng Anh có 118 thí sinh đạt điểm 10.

Sau khi biết kết quả, theo quy định, mọi thí sinh đều có quyền phúc khảo bài thi. Cụ thể, thí sinh nộp phiếu đăng ký phúc khảo bài thi tại trường phổ thông nơi mình đã học từ ngày 27 đến ngày 29/7.

Nhiều giáo viên bậc THCS tại TP.HCM khẳng định, với mức điểm như vậy là hợp lý, không có biến động nhiều hơn so với năm 2019.

Theo kết quả tuyển sinh lớp 10 năm 2019, có 58,4% số thí sinh có điểm tiếng Anh dưới trung bình, 49,62% thí sinh môn Toán dưới trung bình.

Môn Ngữ văn tỉ lệ thí sinh đạt điểm cao tăng, có thể do đề thi ra sát thực tế cuộc sống, các em cảm nhận tốt nên điểm cao hơn.

Thí sinh dự thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM.

Một số giáo viên cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc 2 môn học trên có số điểm thi thấp hơn môn Ngữ Văn, 1 phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các học sinh học online, chưa có thời gian nhiều để làm bài tập môn Toán, cũng như rèn luyện kỹ năng thực hành môn tiếng Anh đầy đủ.

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, Thạc sĩ Phan Thế Hoài, giáo viên môn Ngữ văn bậc THPT tại TP.HCM cho biết, nhìn chung, môn Ngữ văn thi tuyển sinh vào 10 tại TP.HCM tương đối nhẹ nhàng nhưng mức độ phân hóa khá cao - mức trên 7.0.

Theo Thạc sĩ Hoài, năm nay, điểm trung bình chung môn Ngữ Văn khá cao, do những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, nội dung chương trình môn Ngữ văn được giảm tải 17 bài, trong đó có những tác phẩm tương đối khó với lứa tuổi lớp 9 như Sang thu (Hữu Thỉnh), Nói với con (Y Phương)..

Thứ hai, cấu trúc đề thi quen thuộc, học sinh đã được giáo viên ôn tập kỹ và luyện tập nhiều ở trên lớp.

Cụ thể, phần đọc hiểu cho ngữ liệu mang tính thời sự - bàn đến đại dịch Covid-19, cũng rất gần gũi với học sinh. Câu nghị luận xã hội mở, học sinh tự do bày tỏ suy nghĩ của mình về "Phải chăng lắng nghe là một biểu hện của yêu thương".

“Riêng câu nghị luận văn học, học sinh có 3 sự lựa chọn cho đề 1 - Nghị luận về các tác phẩm Ánh trăng (Nguyễn Duy); Bếp lửa (Bằng Việt); Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải).

Đây là những tác phẩm tiêu biểu mà bất cứ học sinh nào thi tuyển cũng phải nắm kỹ. Hiếm có học sinh nào không làm được một trong 3 đoạn trích của tác phẩm trên.

Những năm trước, học sinh không có sự lựa chọn ở đề 1. Riêng đề 2, học sinh cũng không phải sử dụng quá nhiều kiến thức lý luận văn học vào bài làm. Học sinh khá, giỏi, yêu thích văn chương có thể làm tốt yêu cầu”, Thạc sĩ Phan Hoài phân tích thêm.

Đặc biệt,  theo thầy Hoài, môn Ngữ văn là môn nhân hệ số 2 cùng với Toán nên học sinh có nhiều đầu tư. Những năm qua, thi tuyển sinh vào 10, điểm môn Văn bao giờ cũng cao hơn Toán và tiếng Anh.