Tài chính - Ngân hàng

Kết quả kinh doanh ngành dầu khí quý I/2021: Kẻ cười, người khóc!

Trong 3 tháng đầu năm 2021, mặc dù được hỗ trợ tích cực bởi đà hồi phục của giá dầu nhưng không phải doanh nghiệp dầu khí nào cũng có kết quả kinh doanh khả quan.

Kết thúc quý I/2021, các doanh nghiệp dầu khí đã công bố kết quả kinh doanh. Nhìn chung, lợi nhuận trong 3 tháng đầu năm của các doanh nghiệp dầu khí lớn niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy tình trạng phân hóa mạnh.

Ở chiều hướng tích cực, có khá nhiều doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Điển hình như công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (UpCOM: BSR) công bố báo cáo tài chính quý I/2021 có doanh thu và lợi nhuận tăng cao so với cung kỳ.

Cụ thể, doanh thu thuần đạt 21.048 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Giá vốn hàng bán giảm nhẹ nên Lọc hóa dầu Bình Sơn có lãi gộp 2.040 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty lỗ gộp gần 1.991 tỷ đồng.

Lọc Hoá dầu Bình Sơn lãi sau thuế đạt 1.848 tỷ, vượt 113% lợi nhuận cả năm.

Trong kỳ, BSR có gần 200 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, tăng 71% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính giảm đáng kể từ 244 tỷ đồng xuống còn 132 tỷ đồng. Kết quả, BSR báo lãi sau thuế đạt 1.848,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lãi 1.856 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 2.330 tỷ đồng. Kết thúc quý I/2021, BSR đã hoàn thành được 29,7% mục tiêu về doanh thu và đã vượt 113% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2021.

Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, HoSE: PVT) cũng công bố tình hình kinh doanh 3 tháng đầu năm 2021 khá khả quan.

Theo đó, PVTrans ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.716,8 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp tăng 14,2% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 32 tỷ đồng lên 257,7 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng mạnh 78,2% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 39,2 tỷ đồng, chủ yếu khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng mạnh.

Trong khi đó chi phí tài chính lại giảm đáng kể 41,6% xuống còn 45,7 tỷ đồng, chủ yếu là do khoản lỗ chênh lệch tỷ giá trong kỳ chỉ ghi nhận 4,4 tỷ đồng, trong khi quý I/2020 ghi nhận hơn 28 tỷ đồng.

Quý I/2021, PVT báo lãi 174 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ 2020.

Do giảm lỗ tài chính và ghi nhận lãi từ hoạt động khác, kết quả, lãi sau thuế quý I/2021 của PVTrans ghi nhận 173,8 tỷ đồng, tăng cao gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó lợi nhuận sau thuế công ty mẹ ghi nhận 136,4 tỷ đồng.

Tính tới 31/3/2021, tổng tài sản của doanh nghiệp tăng 2,6% so với đầu năm lên 11.379,5 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tài sản cố định đạt 5.804,7 tỷ đồng, chiếm hơn 1 nửa tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 3.095,5 tỷ đồng, chiếm 27,2% tổng tài sản.

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HoSE: POW) cũng công bố doanh thu giảm nhưng lợi nhuận sau thuế công ty tăng 12% so với cùng kỳ.

POW công bố doanh thu quý I/2021 giảm nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 12% so với cùng kỳ.

Theo đó, POW ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất giảm 4%, đạt 7.763 tỷ đồng. Mặc dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng cao so với cùng kỳ, song POW vẫn báo lãi sau thuế 566 tỷ đồng tăng 12% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt trên 508 tỷ đồng, tăng 14% so cùng kỳ.

Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân lợi nhuận tăng cao là do ghi nhận sản lượng điện các nhà máy điện Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1 giảm, còn nhà máy Vũng Áng 2 tăng so cùng kỳ. Doanh thu tài chính công ty mẹ tăng 360 tỷ đồng so cùng kỳ do tăng khoản lãi từ thoái vốn khỏi PV Machino.

Ngoài ra, POW còn cho biết kết quả hợp nhất đi lên còn đến từ việc tăng lợi nhuận ở các công ty thủy điện như Thủy điện Hủa Na, Thủy điện Đắc-đrinh. Điều này là nhờ tình hình thủy văn trong quý 1 thuận lợi, lưu lượng nước về hồ cao dẫn đến sản lượng điện sản xuất tăng cao; đồng thời giá mua điện bình quân quý I/2021 cũng cao hơn cùng kỳ.

Ở chiều hướng ngược lại, một số doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ giá dầu tăng lại có kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa trong quý I/2021.

Đơn cử như tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, HoSE: PVD) công bố báo cáo tài chính quý I/2021 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều sụt giảm.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PVD đều sụt giảm trong quý I/2021.

Cụ thể, doanh thu thuần đạt gần 550 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ, kinh doanh dưới giá vốn khiến PVD lỗ gộp 27,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gộp đạt hơn 157 tỷ đồng.

Đáng chú ý chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn ở mức cao với 83,6 tỷ đồng nên kết quả PVD chịu lỗ sau thuế gần 110 tỷ đồng, trong khi quý I/2020 lãi sau thuế hơn 16 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ chịu lỗ gần 104 tỷ đồng.

PVD nhận định nhu cầu dầu thô năm 2021 được dự báo tăng trở lại, tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với trước đại dịch Covid-19 do nhu cầu tiêu thụ phục hồi chậm. Năm 2021 theo dự báo sẽ tiếp tục là một năm khó khăn của ngành dầu khí. Theo đó, PVD mới chỉ đề ra mục tiêu doanh thu đạt 4.400 tỷ đồng và sẽ nỗ lực có lãi trong năm 2021.

Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas, HoSE: GAS) ghi nhận doanh thu thuần đạt 17.570,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.029 tỷ đồng, lần lượt tăng 2,8% và giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước. 

PV Gas cũng có doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý I/2021 không mấy khả quan.

Trong kỳ, biên lợi nhuận gộp giảm 1,3% so với cùng kỳ về 3.269,5 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 30,2% so với cùng kỳ về 263,1 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 21,7% lên 534,1 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 81,5% lên 353,1 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể. Bên cạnh lợi nhuận giảm, dòng tiền hoạt động kinh doanh tiếp tục suy giảm so với cùng kỳ.  

Cụ thể, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp giảm 42,9% so với cùng kỳ và chỉ còn dương là 1.374,7 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do khoản phải thu và tồn kho có dấu hiệu tăng đột biến.

Tính tới 31/3/2021, tổng tài sản của PV Gas tăng 8,6% so với đầu năm lên 68.626,3 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 28.051,8 tỷ đồng, chiếm 40,9% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 19.093 tỷ đồng và chiếm 27,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 13.439,3 tỷ đồng, chiếm 19,6% tổng tài sản.