Cộng đồng mạng

Kết nối thành công não người với máy tính chỉ bằng mạch máu

Công trình "không tưởng" này đã được thực hiện thành công bởi các kỹ sư IT đến từ Australia.

Bạn có phải là fan hâm mộ của các bộ phim truyền hình viễn tưởng? Bạn có tin những hình ảnh viễn tưởng ấy sẽ bước ra cuộc sống thật hay không? 

Con người được kết nối với máy tính bằng một sợi dây dẫn? Tại sao không? Bởi các kỹ sư công nghệ thông tin Australia đã làm được điều phi thường ấy.  

Tờ Independent, The New York Times, Reuters đồng loạt đưa tin các chuyên gia tại Đại học Melbourne đã kết nối thành công não bộ con người với một chiếc máy tính hệ điều hành Windows 10 bằng cách luồn dây vào mạch máu!

 (Ảnh minh họa)

Để thực hiện được công trình này, các nhà khoa học đã cấy các điện cực qua tĩnh mạch cảnh ở cổ, sau đó đẩy chúng lên vùng vỏ não vận động. Tại đây, các điện cực được lồng vào thành mạch máu, nơi chúng có thể phát hiện tín hiệu của não bộ rồi gửi trở lại cho máy tính.

Theo đó, 2 người tham gia đã được hỗ trợ đào tạo bởi công nghệ machine-learning (học máy) để sử dụng tín hiệu đo điện não truyền không dây, kết hợp với với các cử động để kiểm soát hành động nhấp chuột, bao gồm cả thu phóng và nhấp chuột trái.

Người tham gia hoạt động có thể sử dụng kết hợp cùng thiết bị theo dõi mắt để điều hướng con trỏ, kiểm soát hệ điều hành Windows 10 để tiến hành các hoạt động cụ thể trong sinh hoạt hàng ngày.

Phương pháp mới trên là cách tiếp cận ít xâm lấn hơn so với các giao diện não – máy tính khác, chẳng hạn như cấy chip-AI vào trong não.

Phương pháp tiếp cận này đã cho kết quả thử nghiệm thành công trên 2 người mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS). Người tham gia đã có thể điều khiển chuột của chiếc máy tính thông qua suy nghĩ. 

Tình nguyện viên đầu tiên đã tự sử dụng công nghệ giao diện não – máy tính tại nhà riêng sau 86 ngày luyện tập, trong khi người thứ hai sử dụng thành thạo sau 71 ngày.

Bill Kochevar (56 tuổi), đang sử dụng công nghệ giao diện não máy và một hệ thống kích ứng để tự di chuyển cánh tay của mình sau 8 năm bị liệt.

Các nhà nghiên cứu tại đại học Melbourne hy vọng có thể thương mại hóa phương pháp của họ thông qua công ty Synchron.

Hiện tại, hệ thống vận động này sẽ cung cấp liệu pháp điều trị cho những người bị liệt. Nhưng khi chúng ta bắt đầu tác động lên các vùng não khác, bạn sẽ thấy công nghệ khai thác sức mạnh xử lý của não bộ như thế nào.

Công nghệ này xuất hiện từ những năm 1920 khi nhà khoa học người Đức Hans Berger phát hiện ra rằng bộ não con người có thể tạo ra dòng điện phản ảnh hoạt động của não. Chúng có thể được đo bằng cách gắn các điện cực vào da đầu.

Đến năm 1973, tức 50 năm sau, thuật ngữ giao diện não – máy đã được Jacques Vidal đặt ra. Kể từ đó, ý tưởng sử dụng thuật toán máy tính để ghi lại các tín hiệu từ não và biểu diễn chúng thành các lệnh đã ngày càng phát triển nhanh chóng.

Trang Dung (Nguồn Business Insider)