Toàn cảnh

Kết hợp vắc-xin AstraZeneca với Moderna, Novavax cho hiệu quả cao hơn

Nghiên cứu mới nhận thấy, khi tiêm liều đầu tiên là vắc-xin AstraZeneca và liều thứ hai là Moderna hoặc Novavax thì hiệu quả bảo vệ sẽ tốt hơn.

Tiến sĩ Matthew Snape, Giáo sư Đại học Oxford dẫn đầu một thử nghiệm lớn thực hiện trên 1.070 tình nguyện viên mang tên Com-CoV2. Kết quả cho thấy, phản ứng miễn dịch của tế bào lympho T tạo ra mạnh nhất khi kết hợp một liều vắc-xin AstraZeneca và một liều Novavax sau đó, theo Guardian hôm 6/12.

“Chúng tôi nhận thấy nhiều khả năng để linh hoạt trong việc tiêm chủng. Nếu đã tiêm một liều vắc-xin trước đó, một người không nhất thiết tiêm loại vắc-xin tương tự ở liều hai”, ông Matthew Snape thông tin.

Phát hiện nói trên ủng hộ việc sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 linh hoạt, phù hợp với các quốc gia thu nhập thấp và chưa hoàn thành chiến dịch tiêm chủng. Với nguồn cung vắc-xin hạn chế hoặc không ổn định, họ có thể sử dụng kết hợp các loại vắc-xin khác nhau cho liều 1 và liều 2.

“Tôi nghĩ, dữ liệu từ nghiên cứu này sẽ đặc biệt thú vị và có giá trị đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Không cần thiết phải cứng nhắc sử dụng duy nhất một loại vắc-xin cho cả 2 mũi tiêm... Kết hợp nhiều loại vắc-xin sẽ giúp triển khai tiêm chủng nhanh hơn”, Tiến sĩ Snape nói.

Đánh giá các phản ứng trên 1.070 người tại Anh, nhóm nghiên cứu cho biết, mức độ kháng thể trung hòa cao hơn 17 lần khi kết hợp AstraZeneca - Moderna, cao hơn 4 lần đối với AstraZenaca - Novavax so với 2 liều AstraZeneca thông thường.

Ngoài ra, việc kết hợp AstraZeneca - Moderna tạo ra lượng tế bào lympho T nhiều hơn 3,5 lần, trong khi AstraZeneca - Novavax tạo ra số lượng tế bào T nhiều hơn 4,8 lần.

Việc kết hợp giữa liều 1 Pfizer và liều 2 Novavax cũng tạo ra lượng kháng thể cao hơn so với liệu trình 2 mũi AstraZeneca, nhưng phản ứng kháng thể và tế bào T lại thấp hơn so với 2 liều Pfizer.

Kết quả nghiên cứu của Đại học Oxford được công bố trên tạp chí y khoa Lancet không đưa ra lo ngại về tính an toàn.

Thực tế nhiều quốc gia đã triển khai phương pháp tiêm trộn vắc-xin khi đối diện với số ca nhiễm tăng cao, nguồn cung vắc-xin thấp và tốc độ tiêm chủng chậm do người dân lo ngại về an toàn.

Thời gian bảo vệ của vắc-xin hiện vẫn đang được theo dõi chặt chẽ, các nhà khoa học cũng đề xuất liều tiêm tăng cường trong bối cảnh các ca bệnh gia tăng. Biến thể Covid-19 mới như Delta và Omicron đang làm gia tăng áp lực khiến các quốc gia phải đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng.

Các nhà nghiên cứu Com-CoV2 đã tiến hành thử nghiệm mẫu máu của người tham gia với các biến thể Wild-Type, Beta và Delta và thấy rằng hiệu quả của vắc-xin đối với các biến thể giảm dần, nhưng vẫn giữ ổn định trong trường hợp tiêm trộn vắc-xin.

Nhóm tác giả nhấn mạnh, việc triển khai kết hợp các loại vắc-xin sử dụng công nghệ và nền tảng khác nhau - như mRNA của Pfizer và Moderna, vectơ virus của AstraZeneca và công nghệ protein của Novavax - giúp mở ra cách tiếp cận mới không chỉ trong chủng ngừa Covid-19 mà còn cho các loại bệnh khác.

Trong một diễn biến liên quan, các cơ quan của Anh và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang xem xét sử dụng vắc-xin Novavax. Nếu được phê duyệt, vắc-xin này sẽ được WHO cho phép cung cấp thông qua sáng kiến COVAX trong thời gian tới.

Minh Hoa (t/h theo Zing, Lao Động)