Tài chính - Ngân hàng

Kem Thủy Tạ không chịu lớn, ACB muốn thoái vốn

Ngân hàng ACB vừa đăng ký bán toàn bộ 300.000 cổ phiếu TTJ của công ty cổ phần Thủy Tạ đang nắm giữ, dự kiên thu về hơn 11 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa có động thái cho thấy muốn thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Thủy Tạ. Cụ thể, ông Phạm Tuấn Anh - Ủy viên Hội đồng Quản trị và là người đại diện góp vốn tại Công ty Cổ phần Thủy Tạ (mã TTJ) đăng ký bán 300.000 cổ phiếu, chiếm 10% vốn điều lệ tại TTJ, nhằm cơ cấu danh mục đầu tư, theo phương thức thỏa thuận. Thời gian giao dịch từ ngày 20/3 đến ngày 18/4/2019.

Nếu giao dịch thành công, ngân hàng ACB sẽ không còn nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào của TTJ.

Tính theo giá mở cửa phiên giao dịch sáng 19/3 là 37.700 đồng/CP, khối cổ phiếu ACB rao bán sẽ có giá hơn 11 tỷ đồng.

Nếu bán hết 300.000 cổ phiếu, ngân hàng ACB sẽ không còn sở hữu cổ phiếu TTJ nào. 

Hai tháng gần đây cổ phiếu Kem Thuỷ Tạ liên tục tăng giá, từ vùng giá 21.000 đồng lên mức hiện tại. Vậy vì sao ACB lại muốn thoái vốn khỏi kem Thủy Tạ vào thời điểm này?

Đúng là gần đây cổ phiếu TTJ có tăng khá mạnh nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp với bình quân 300 cổ phiếu được sang tay mỗi phiên.

Thêm vào đó, các sản phẩm của Thủy Tạ gần như không bắt kịp xu hướng thị trường. Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor dẫn báo cáo cho thấy ngành kem và món tráng miệng đông lạnh đang có sự dịch chuyển mạnh. Phân khúc cao cấp đang trở thành xu hướng chính. Các thương hiệu nước ngoài như Cornetto, Paddle Pop, Haagen-Dazs và New Zealand Natural đang cạnh tranh mạnh. Trong bối cảnh ấy, Thủy Tạ không có nhiều cải tiến về sản phẩm cho phân khúc cao cấp nên sức cạnh tranh của thương hiệu này giảm đáng kể những năm gần đây.

Dù gây dựng được thương hiệu và giữ thị phần lớn phía Bắc trong thời gian dài, sự xuất hiện của những đối thủ "sinh sau đẻ muộn" như Unilever, Kido Foods, Vinamilk... đã làm thay đổi cuộc chơi của những doanh nghiệp truyền thống.

Trong khi đó, những đối thủ của Thủy Tạ đã nhanh chóng đạt doanh số nghìn tỷ đồng thì công ty này chỉ quanh quẩn ở mức 50 tỷ đồng. Thị phần của Thuỷ Tạ hiện giảm dưới 5% và thu hẹp trong phạm vi Hà Nội.

Chưa có kết quả kinh doanh năm 2018, song theo kế hoạch Công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế năm 2018 lần lượt đạt 120 tỷ đồng và 9 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán cho năm 2017, doanh thu thuần của TTJ chỉ đạt hơn 102 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ 2016, do hai mảng hoạt động chính là kem và kinh doanh nhà hàng đều giảm mạnh. Mảng kem ghi nhận hơn 47 tỷ doanh thu và 17,5 tỷ đồng lợi nhuận gộp, giảm 13% so với năm trước. Doanh thu mảng kinh doanh nhà hàng cũng giảm nhẹ còn gần 34 tỷ đồng. Sự sụt giảm của hai mảng hoạt động chính kéo theo lợi nhuận sau thuế còn chưa tới 6 tỷ đồng, giảm 22% so với năm trước.

Cách đây chỉ 1 tuần, Thủy Tạ cũng mới bị Chi cục thuế quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng số tiền gần 1,3 tỷ đồng. Trong đó, thuê đất hơn 1,13 tỷ đồng và tiền chậm nộp 143 triệu đồng.

Lý do là bởi TTJ nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế. Ngoài ra, Cục thuế Hà Nội cũng quyết định phạt, truy thu đối với TTJ số tiền hơn 72 triệu đồng do công ty đã có hành vi vi phạm hành chính về thuế.

Lê Lan