Hồ sơ doanh nghiệp

Kế toán trưởng Đạm Cà Mau "chốt lời" cổ phiếu

Tận dụng sự hưng phấn của thị trường trong hơn một tháng qua, ông Đinh Như Cường đã đăng ký chốt lời gần như toàn bộ số cổ phiếu DCM đang nắm giữ.

Mới đây, ông Đinh Như Cường, Kế toán trưởng của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, MCK: DCM) đã đăng ký bán 50.000 cổ phiếu trên tổng số 52.900 cổ phiếu đang sở hữu tại doanh nghiệp này nhằm giải quyết nhu cầu cá nhân.

Theo đó, số cổ phiếu trên sẽ được giao dịch theo hình thức khớp lệnh dự kiến từ ngày 9/3 đến ngày 4/4. Sau khi giao dịch thành công, ông Cường sẽ chỉ còn sở hữu 2.900 cổ phiếu tại Đạm Cà Mau.

Đáng chú ý, động thái trên diễn ra trước bối cảnh cổ phiếu DCM đang tiếp đà tăng mạnh trên thị trường. Chốt phiên ngày 4/3, cổ phiếu DCM dừng ở mức giá 40.300 đồng/cổ phiếu. Nếu giao dịch thành công, vị kế toán trưởng sẽ thu về hơn 2 tỷ đồng.

Diễn biến thị giá cổ phiếu DCM.

Từ cuối tháng 1 cổ phiếu thị giá cổ phiếu DCM liên tiếp tăng trong nhiều phiên. Trong phiên 28/2, cổ phiếu của Đạm Cà Mau đã được "nhuộm tím" tăng trần lên 37.000 đồng/cổ phiếu và giữ đà tăng đến hôm nay.

Động thái cấm xuất khẩu Amoni nitrat (NH4NO3) mới đây của Nga đã góp phần đẩy giá phân đạm trên toàn cầu tiếp tục tăng. Hiện nay, sản lượng Amoni nitrat xuất khẩu của Nga đạt khoảng 15 triệu tấn mỗi năm, chiếm 75% nguồn cung toàn thế giới.

Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa, trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng và chi phí nguyên liệu đầu vào (khí, than) tăng cao. Điều này khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng thêm và đẩy giá các loại phân bón tiếp tục duy trì ở mức cao.

Do đó, cổ phiếu của Đạm Cà Mau được kỳ vọng tiếp tục tăng trường nhờ sản lượng xuất khẩu phân bón tăng cùng giá bán tiếp tục duy trì ở mức cao.

Tương tự do khan hiếm hàng hóa, hưởng lợi từ chính sách hạn chế xuất khẩu của các nước, Đạm Cà Mau đã báo lãi kỷ lục quý 4/2021 gần 1.100 tỷ đồng. 

Đạm Cà Mau ghi nhận sản lượng sản xuất đạt gần 900.000 tấn ure trong năm 2021, vượt 3% so với kế hoạch đề ra; sản lượng tiêu thụ gần 1 triệu tấn, bám sát kế hoạch.

Luỹ kế cả năm 2021 Đạm Cà Mau ghi nhận tổng doanh thu đạt trên 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.820 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và gấp gần 3 lần so với năm 2020. Đây là kết quả kinh doanh vượt bậc nhất suốt 10 năm hoạt động của doanh nghiệp.

Năm 2022, Đạm Cà Mau đặt ra kế hoạch sản lượng sản xuất Đạm Cà Mau (ure quy đổi) trên 860.000 tấn, trong đó các sản phầm từ gốc ure ở mức 80.000 tấn, sản lượng sản xuất NPK dự kiến đạt 80.000 tấn.

Về sản lượng kinh doanh hợp nhất, dự kiến sản lượng Đạm Cà Mau (ure) đạt 770.270 tấn, các sản phẩm từ gốc ure đạt 80.000 tấn, NPK đạt 80.000 tấn và phân bón tự doanh đạt 202.000 tấn.

Kế hoạch kinh doanh hợp nhất, tổng doanh thu ước đạt gần 9.060 tỷ đồng, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế hơn 513 tỷ đồng, lần lượt giảm 1% và 40% so với kế hoạch năm ngoái.