Tiêu điểm thế giới

“Kế hoạch B” giúp Thổ Nhĩ Kỳ tự tin tính chuyện vận hành S-400 của Nga mặc Mỹ “nổi giận”?

Hệ thống S-400 sẽ được Thổ Nhĩ Kỳ vận hành vào tháng 10 tới. Và Thổ Nhĩ Kỳ không hề bối rối trước những đe dọa của Mỹ và đã có kế hoạch B trong trường hợp Mỹ tiếp tục từ chối chuyển giao F-35.

Theo trang Euractiv, Nga sẽ bắt đầu chuyển giao hệ thống phòng thủ tân tiến S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7 tới mặc cho Mỹ đe dọa trừng phạt. Thông tin này được người đứng đầu đơn vị xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport chia sẻ.

“Mọi điều đã được thảo luận xong và nhất trí”, ông Alexander Mikheev chia sẻ với Interfax. Đây là tuyên bố chính thức đầu tiên của công ty sản xuất S-400 của Nga về thời gian chuyển giao hệ thống phòng thủ cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Hệ thống phòng thủ này sẽ được vận hành vào tháng 10, Ismail Demir, người đứng đầu bộ phận Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố trong một bài phỏng vấn trên truyền hình trước đó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. 

Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của NATO chính thức ký hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD với Nga để mua hệ thống phòng thủ S-400 hồi tháng 12/2017 mặc Mỹ gây áp lực với lý do vũ khí này có thể gây hại an ninh NATO, cả về chính trị lẫn kỹ thuật.

Washington đe dọa trừng phạt nếu Ankara tiếp tục hợp tác với Nga để mua vũ khí. Một trong những lý do được phía Mỹ đưa ra là lo ngại rằng S-400 có thể không tương thích với hệ thống phòng thủ của NATO.

Mỹ hồi tháng 1/2019 chính thức mời Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot với tổng giá trị ước tính là khoảng 3,5 tỉ USD.

Đồng thời với việc đàm phán mua Patriot, Washington gia tăng áp lực lên Ankara nhằm hủy bỏ thương vụ mua S-400 của Nga và nhấn mạnh rằng Mỹ chỉ cung cấp hệ thống Patriot nếu thương vụ mua vũ khí Nga được hủy bỏ.

Tuy nhiên, Ankara nhanh chóng trấn an rằng việc mua S-400 không nên xem là bước đi thù địch với Washington và rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ cam kết với đồng minh NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng là những đối tác trong việc mua bán máy bay F-35, trong đó Ankara sẽ nhận hơn 100 máy bay này vào năm 2023 nhằm thay thế cho hệ thống máy bay F-16 lạc hậu. Trung tâm bảo dưỡng F-35 cũng đang được thành lập ở Ankara để phục vụ cho khu vực châu Âu.

Với Mỹ, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc sản xuất máy bay F-35 đã tạo nên đòn bẩy đáng nể trong chính sách của Ankara và kích thích sự hỗ trợ cho sự lãnh đạo của Washington ở NATO.

Nhưng thương vụ S-400 cũng mang nhiều ý nghĩa hơn chuyện đơn thuần là một cuộc mua vũ khí của Nga. Theo Vladimir Frolov, một nhà phân tích chính trị Nga, động thái này có thể được xem như chiến thắng đã được chờ đợi từ lâu của Nga với NATO và Mỹ.

Washington hiện đang đe dọa hủy việc bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara từ chối từ bỏ quyết định mua S-400.

“Thổ Nhĩ Kỳ phải lựa chọn”, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố hôm mùng 3 tháng 4 trong một sự kiện của NATO ở Washington.

“Hoặc vẫn là đối tác của liên minh quân sự thành công nhất trong lịch sử thế giới? Hoặc muốn nhận lấy rủi ro trong mối quan hệ hợp tác bằng cách đưa ra những quyết định thiếu thận trọng làm ảnh hưởng đến đồng minh?”.

Các nhà lập pháp Mỹ cũng đe dọa áp đặt trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc áp đặt trừng phạt các thực thể liên quan đến việc chuyển giao hệ thống phòng thủ Nga có thể xem là bước đi nguy hại với nền kinh tế còn thiếu ổn định của Ankara.

Tuy nhiên, đáp trả những mối đe dọa trừng phạt, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Mỹ thiết lập một nhóm làm việc dưới sự tham gia của NATO để tìm ra giải pháp chung cho khủng hoảng S-400/F35, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói tại một cuộc họp báo ở Ankara hôm 19/4.

“Thổ Nhĩ Kỳ hiểu nỗi lo của NATO liên quan đến hệ thống phòng thủ S-400 của Nga”, nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết và nói thêm rằng “Chúng tôi cần xem xét lại những mối lo ngại của NATO”.

Tuy nhiên, nếu Mỹ không đồng ý lập nhóm làm việc và tiếp tục khăng khẳng áp đặt trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara có thể tìm kiếm hợp tác thương mại về phòng thủ với Nga để có được F-35.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar hôm 23/4 tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ không hề bối rối trước những đe dọa của Mỹ và đã có kế hoạch B trong trường hợp Mỹ tiếp tục từ chối chuyển giao F-35.

Ngay sau tuyên bố đó, Nga đã đánh tiếng sẵn sàng bán máy bay chiến đấu của nước này cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu Mỹ từ chối bàn giao F-35.

Xem thêm >> Nhờ "bùa hộ mệnh" S-400, Thổ Nhĩ Kỳ mới thoát nguy cơ bị Nga "bật đèn xanh" tấn công ở Syria?