Thế giới

Kế hoạch B của Đảng Pheu Thai nếu ông Pita không đắc cử Thủ tướng Thái Lan

Ông Pita Limjaroenrat không bị phản đối trở thành Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan, nhưng cũng không nhận được đủ sự ủng hộ cần thiết của đa số lưỡng viện để đắc cử.

Quốc hội Thái Lan chuẩn bị tổ chức vòng bỏ phiếu thứ hai bầu Thủ tướng mới cho đất nước vào ngày 19/7, hơn 2 tháng kể từ khi Đảng Move Forward (Tiến lên) theo đường lối tự do giành chiến thắng bất ngờ trước phe thân quân đội.

Liên minh 8 bên đã nhất trí ủng hộ nhà lãnh đạo Move Forward Pita Limjaroenrat, bất chấp thất bại của ông trong vòng bỏ phiếu đầu tiên vào ngày 13/7. Câu hỏi đặt ra là sẽ thế nào nếu ông Pita một lần nữa không giành được đủ số phiếu để trở thành Thủ tướng tiếp theo của quốc gia Đông Nam Á?

Ứng cử viên Thủ tướng Thái Lan của Đảng Pheu Thai, Srettha Thavisin (trái), và ứng cử viên Thủ tướng Thái Lan của Đảng Move Forward, Pita Limjaroenrat. Ảnh: Khaosod English

Trở ngại chính

Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên hồi tuần trước, vị chính khách 42 tuổi không bị phản đối trở thành Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan, nhưng cũng không nhận được đủ sự ủng hộ cần thiết của đa số lưỡng viện để đắc cử.

Trở ngại chính đến từ kế hoạch của Move Forward nhằm sửa đổi Điều 112 của Bộ luật Hình sự Thái Lan, tức Luật khi quân – điều mà phe bảo hoàng coi là vượt qua “lằn ranh đỏ”. Hiến pháp Thái Lan quy định Nhà vua “được tôn phong ở một vị trí được tôn kính”.

Tuy nhiên, chương trình cải cách của Move Forward thậm chí còn vượt xa điều đó, nhắm mục tiêu vào các tổ chức độc quyền kinh doanh từ lâu được coi là bất khả xâm phạm. Có những lợi ích lớn sẽ bị mất nếu ông Pita thành công giành được chiếc ghế Thủ tướng Thái Lan và điều hành chính phủ mới của đất nước, Reuters cho biết.

Do đó, Thượng viện Thái Lan với các thành viên được lựa chọn cẩn thận sau cuộc chính biến năm 2014 về cơ bản chính là “bức tường thành” bảo vệ lợi ích của quân đội bảo hoàng. Trong cuộc bỏ phiếu tuần trước, chỉ 13 Thượng nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ ông Pita, còn lại hầu như bỏ phiếu trắng hoặc phiếu chống.

Ông Pita vẫn tỏ ra lạc quan, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy liên minh do Move Forward dẫn dắt đã vận động hành lang đầy đủ để có được số phiếu cần thiết để giúp ông vượt qua ải Thượng viện tới chiếc ghế Thủ tướng.

Với tổng cộng 106 ghế trong Hạ viện, 3 đảng bảo thủ không thuộc liên minh của ông Pita hôm 18/7 cho biết họ không thể ủng hộ một ứng cử viên Thủ tướng muốn sửa đổi Điều 112.

Những người ủng hộ ông Pita và Đảng Move Forward bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Bangkok, Thái Lan, ngày 13/7/2023. Ảnh: Getty Images

Move Forward tin rằng nhiều Thượng nghị sĩ đã bị áp lực phải ngăn ông Pita nắm quyền dù đó không phải là ý muốn của họ. Họ đã bị dư luận chỉ trích gay gắt kể từ khi ông Pita thất bại trong vòng bỏ phiếu đầu tiên bầu Thủ tướng, bị cáo buộc hành động trái với ý muốn của công chúng. Không rõ liệu điều này có thể gây ảnh hưởng đến quyết định tiếp theo của họ hay không.

Ngoài ra, rắc rối còn có thể tiếp tục gõ cửa nếu Tòa án Hiến pháp Thái Lan can thiệp để đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Pita. Cơ quan này cho biết sẽ xem xét vụ kiện do Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) khởi xướng cáo buộc ông Pita vi phạm các quy tắc bầu cử vào ngày 19/7 – cùng ngày với vòng bỏ phiếu thứ hai bầu Thủ tướng.

Cũng chính tòa án này đã thông báo vào đêm trước của vòng bỏ phiếu đầu tiên rằng họ đã chấp nhận một vụ kiện riêng biệt chống lại Move Forward về chính sách của họ đối với luật xúc phạm hoàng gia.

Kế hoạch B

Sẽ thế nào nếu ông Pita thất bại trong vòng bỏ phiếu ngày 19/7 này? Lãnh đạo Move Forward đã tuyên bố trong trường hợp này, ông sẽ nhường cơ hội cho Đảng Pheu Thai (Vì người Thái) đề cử ứng cử viên Thủ tướng của chính họ.

Pheu Thai – Đảng có mối quan hệ lâu dài với gia đình cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra – là đối tác lớn nhất trong liên minh 8 bên, giành được nhiều phiếu bầu thứ 2 trong cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng 5, chỉ sau Move Forward.

Bà Paetongtarn Shinawatra, con gái út của ông Thaksin, người đồng thời là một trong ba ứng cử viên Thủ tướng của Pheu Thai, hôm 18/7 đã cho biết về kế hoạch của đảng mình nếu kịch bản ông Pita thất bại một lần nữa xảy ra.

Theo bà Paetongtarn, trong số 3 ứng cử viên Thủ tướng của Đảng Pheu Thai, ông Srettha Thavisin sẽ được chọn ra ứng cử trong vòng bỏ phiếu thứ ba bầu Thủ tướng tại lưỡng viện của Quốc hội Thái Lan.

Theo quy định, ông Srettha, 60 tuổi, một ông trùm bất động sản và là chính trị gia mới nổi đến từ cộng đồng doanh nghiệp, cũng sẽ phải giành được ít nhất 63 phiếu bầu từ các Thượng nghị sĩ hoặc Hạ nghị sĩ bên ngoài liên minh 8 đảng.

Ba ứng cử viên Thủ tướng Thái Lan của Đảng Pheu Thai (từ trái sang): Ông Chaikasem Nitisiri, bà Paetongtarn Shinawatra và ông Srettha Thavisin, trong một cuộc tuần hành trước thềm tổng tuyển cử, ngày 5/4/2023. Ảnh: Khaosod English

Mặc dù là ứng cử viên Thủ tướng đầu tiên của Pheu Thai và có thông tin rằng bà nhận được sự ủng hộ của nhóm nghị sĩ Pheu Thai từ các tỉnh Đông Bắc, bà Paetongtarn cho biết bà “không muốn bất kỳ vị trí nào trong ban lãnh đạo”. Bà thẳng thắn thừa nhận rằng không dễ để điều hành đất nước trong tình hình hiện nay.

“Vì vậy, tôi nghĩ sự lựa chọn tốt nhất là ông Srettha. Ông ấy rất nhanh sẽ có thể giải quyết những khó khăn kinh tế và nhiều vấn đề khác nhau nếu Pheu Thai trở thành nhà lãnh đạo liên minh. Nếu không, Pheu Thai vẫn sẵn sàng hỗ trợ liên minh do Move Forward dẫn đầu”, bà Paetongtarn nói.

Bà Paetongtarn thừa nhận hiện tại bà không biết liệu Move Forward có được đưa vào làm đối tác hay không nếu Pheu Thai trở thành lãnh đạo liên minh, vì quyết định này phải do ban lãnh đạo của đảng bà đưa ra.

Nữ chính trị gia 37 tuổi cũng tiết lộ rằng cha bà, ông Thaksin, đã hoãn kế hoạch trở về Thái Lan trong khi chờ chính phủ tiếp theo được thành lập. Trước đó, ông Thaksin từng cho biết ông sẽ hồi hương trong tháng này.

“Cha nói với tôi rằng cha có thể đợi. Ông ấy sẽ đợi tình hình chính trị lắng xuống trước. Nhưng tôi không biết ông ấy sẽ thấy tình hình chính trị nào là phù hợp trước khi quyết định về nước”, bà Paetongtarn cho biết.

Minh Đức (Theo Reuters, The Nation Thailand)