Văn hoá

Kẽ hở nào giúp doanh nghiệp dễ trục lợi từ khu du lịch tâm linh?

PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng: “Nhiều doanh nghiệp đang cố tình lợi dụng và gắn hai từ “tâm linh” để mở khu du lịch nhằm trục lợi. Để xảy ra điều này một phần do kẽ hở trong việc quản lý đất đai”.

Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã khai thác kinh doanh du lịch dưới vỏ bọc “tôn giáo” để trục lợi, hút khách. Mới đây nhất chính là vụ xẻ núi làm khu du lịch tâm linh gần cột cờ Lũng Cú Hà Giang.

Được biết, khu du lịch sinh thái văn hóa, tâm linh Lũng Cú cách cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) khoảng 500m về hướng Đông Nam.

Dự án được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt năm 2016, do công ty CP Phúc Lộc Hà Giang đầu tư với tổng vốn dự kiến hơn 800 tỷ đồng, quy mô xây dựng bề thế, án ngữ vị trí đẹp, ngay sát danh thắng địa đầu Tổ quốc.

Khu du lịch tâm linh tại Hà Giang đang nhận nhiều ý kiến khác nhau.

Từ câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

Hiện nay, không ít các doanh nghiệp xây dựng khu du lịch và gắn thêm vào đó hai từ “tâm linh”. Vậy, theo PGS những nơi này nên gọi là khu du lịch hay chùa tâm linh?

Theo tôi tìm hiểu thì không chỉ có Hà Giang đang xây dựng khu du kịch tâm linh mà ngay cả chùa Ba Vàng tại Quảng Ninh hay Tam Chúc ở Hà Nam. Tất cả những cái tên mỹ miều như khu du lịch tâm linh là họ đang đánh tráo kháo niệm. Các doanh nghiệp này đang nấp dưới chiêu bài tâm linh để thực hiện các ý đồ về kinh tế mà chủ yếu đất đai.

Chúng ta cũng không thể phủ nhận trước đây, có nhiều nơi, khi họ lựa chọn để đầu tư và xây với quy mô lớn thì trước đó đã có những cái gọi là công trình kiến trúc cổ như: Miếu, chùa, đình đền đang dần bị hủy hoại. Những nhà đầu tư thật tâm họ đã xây dựng lại với quy mô hoành tráng, đẹp hơn.

Thế nhưng, hiện nay thì mục đích xây dựng lại khu tâm linh lại hoàn toàn khác. Không chỉ là tu tạo mà còn muốn nhờ vào đó để kinh doanh, kiếm lời.

Theo ông, nguyên nhân từ đâu mà dẫn đến sự bùng nổ khu du lịch tâm linh trong thời gian vừa qua?

Có thể nhận thấy, về mặt đất đai nhà nước ta quản lý rất chặt, khi làm bất kỳ việc gì cũng phải xin ý kiến chỉ đạo nếu muốn chuyển đổi mục đích. Thế nhưng, điều này chỉ đúng với những người làm mục đích kinh tế như làm nhà cửa, mở quán xá kinh doanh buôn bán.

Ngược lại, mảng tâm linh thì lại để lỏng, chính việc quản lý đất đai cho vấn đề xây dựng tâm linh chưa được chặt cho nên đây là kẽ hở để không ít người lợi dụng để chiếm đoạt đất bằng nhiều cách như mở khu du lịch gắn với tâm linh. Sau đó họ biến  hóa thành một thị trường kinh doanh kiếm tiền chứ không còn là vấn đề tâm linh như trước đây.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung.

Nhiều người lo ngại, nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì sẽ thương mại hóa đời sống tâm linh, thậm chí là xúc phạm tín ngưỡng của cộng đồng, quan điểm của PGS về vấn đề này như thế nào?

Đây cũng là điều mà không ít người đang lo ngại. Nó không chỉ phá vỡ cảnh quan vốn hài hòa của di tích mà nhiều người còn lợi dụng điều đó để mở rộng kinh doanh. Khi ấy, mục đích không còn về vấn đề tâm linh nữa mà là kinh tế. Họ sẽ phá hoại nhiều thứ như: Tôn giáo, triết lý đúng đắn, đời sống dân sinh, phá hoại môi trường, cảnh quan…dẫn đến biến đổi môi trường, băng hoại đạo đức xã hội

Vậy theo PGS , cơ quan chính quyền cần làm gì để các dự án tâm linh này không bị trục lợi?

PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Tôi cho rằng, trước hết cần phải phân định rõ những dự án tâm linh nào phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của đa số người dân. Còn dự án tâm linh nào đang vô dụng và lợi dụng tâm linh để trục lợi. Cần phát hiện ra những mặt trái của những người lợi dụng chiếm đoạt đất đai để mưu lợi.

Cảm ơn PGS.TS về cuộc trò chuyện!

Mai Thu - Thúy Hường