An ninh - Hình sự

Kẻ gian đột nhập di tích quốc gia tại Hưng Yên trộm cắp cổ vật

Lợi dụng khu di tích nằm nơi thưa thớt dân cư, kẻ gian đã đột nhập vào đền, miếu thuộc di tích lịch sử quốc gia vào lúc đêm tối, lấy đi nhiều cổ vật quý hiếm.

Ngày 26/1, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Phạm Văn Đĩnh – Chủ tịch UBND xã Dị Chế (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Vào sáng sớm ngày 23/1, người dân địa phương phát hiện tại cụm di tích lịch sử Quốc gia đình làng Nghĩa Chế và Phủ Bà thuộc thôn Nghĩa Chế, xã Dị Chế bị kẻ gian đột nhập lấy cắp nhiều cổ vật”.

Những ngai cổ trong đền Nghĩa Chế đã bị kẻ gian đột nhập lấy cắp.

Theo ông Đĩnh, vì đền Nghĩa Chế nằm ở đầu làng, dân cư thưa thớt, người trông nom chỉ có mặt vào những ngày lễ, tết nên công tác bảo đảm an ninh còn nhiều hạn chế. Lợi dụng việc này, đêm 22/1, kẻ gian đã cắt khóa cửa chính của đền đột nhập và lấy đi 4 bộ ngai cổ thời Hậu Lê ở gian trung từ cùng toàn bộ số tiền khoảng 5-6 triệu đồng trong hòm công đức năm 2018.

Người dân địa phương cho biết thêm, những cỗ ngai thờ của đức vua Ngô Quyền – Tam vị Đại vương rất quý. Hàng năm nhân dân gìn giữ, bảo quản sửa chữa rất cẩn thận. Việc bị mất cắp cỗ ngai khiến nhiều người dân rất bức xúc và mong muốn cơ quan chức năng sớm điều tra, thu hồi lại được cổ vật.

Ngoài ra, kẻ trộm còn đột nhập Phủ Bà, cách đền Nghĩa Chế 200m lấy đi một cỗ ngai cổ cũng thời Hậu Lê và 2 nậm đựng rượu cổ rất có giá trị.

Vụ trộm cắp cổ vật tại di tích lịch sử quốc gia khiến người dân bức xúc, lo lắng.

Ông Đĩnh nói thêm: “Ngay sau khi phát hiện vụ việc, chính quyền địa phương, UBND huyện, Công an huyện Tiên Lữ, sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên đã đến kiểm tra hiện trường và phối hợp điều tra làm rõ sự việc. Vì là cổ vật hàng trăm năm tuổi nên rất khó để định giá. Đến nay chúng tôi vẫn chưa có manh mối gì về đối tượng gây nên vụ trộm cắp này”.

Được biết, đền Nghĩa Chế được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1992. Đền thờ Ngô Quyền và hai con trai ông là Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn cùng các tướng lĩnh của triều Ngô. Di tích hiện lưu giữ rất nhiều cổ vật có từ thời Hậu Lê.