Thế giới

Italy khuyến nghị EU đưa ra mức giá trần với khí đốt nhập từ Nga

Các nước EU cần đưa ra mức giá trần đối với khí đốt nhập khẩu từ Nga nhằm giảm bớt gánh nặng tăng giá đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Đây là khuyến nghị được Thủ tướng Italy Mario Draghi đưa ra tại một hội nghị được tổ chức ở thị trấn Rimini của nước này, ngày 24/8.

Theo Thủ tướng Draghi, Chính phủ Italy đã gây sức ép mạnh mẽ với Liên minh châu Âu (EU) về việc đưa ra mức trần giá khí đốt nhập khẩu của Nga. Một số quốc gia tiếp tục phản đối đề xuất trên do lo ngại Nga có thể tạm dừng việc cung ứng. Ông cho biết, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về vấn đề này trong cuộc họp tiếp theo.

Nếu việc tu sửa 2 nhà máy khí hóa của Italy diễn ra đúng kế hoạch, nước này sẽ không nhập khẩu khí đốt của Nga vào mùa Thu năm 2024.

Trong những tháng qua, Italy đã giảm 50% sự lệ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga, chiếm 40% lượng khí đốt nhập khẩu của nước này hồi năm 2021.

Ủy ban châu Âu cho biết, trong tháng này đã đánh giá khẩn cấp các khả năng để đưa ra mức trần khí đốt. Dự kiến, EU sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo vào tháng 10 tới.

Giới chức Séc - nước đang giữ chức Chủ tịch EU luân phiên, cho biết nước này đang cân nhắc tổ chức hội nghị thượng đỉnh năng lượng khẩn cấp để giải quyết tình trạng giá điện leo thang, trong đó có việc đưa ra mức giá trần.

Trong khi đó, ngày 22/8, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cảnh báo châu Âu rằng: "5-10 mùa đông tới sẽ khó khăn. Tình hình đang rất khó khăn trên toàn châu Âu. Nhiều lĩnh vực đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng vì giá năng lượng tăng cao".

Bình luận của nhà lãnh đạo Bỉ được đưa ra trong bối cảnh giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đã tăng 15 lần so với mức trung bình vào thời điểm mùa hè trước nguy cơ Nga có thể cắt nguồn cung trong thời gian tới. Giá điện cũng tăng vọt, Bloomberg cho hay.

Trước đó, một quan chức Bỉ cảnh báo, rủi ro lớn nhất từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine - vốn đã kéo dài 6 tháng qua - chính là nguy cơ châu Âu mất sự đoàn kết do cuộc khủng hoảng năng lượng. Giá dầu và khí đốt tăng vọt có thể làm suy yếu thị trường năng lượng và gây ảnh hưởng tiêu cực tới việc châu Âu thực hiện các mục tiêu về đối phó biến đổi khí hậu tới năm 2050.

Sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ hồi tháng 2, phương Tây đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên Nga, bao gồm lĩnh vực năng lượng vốn là "xương sống" trong nền kinh tế của Moscow. Mục tiêu của các động thái này là nhằm gây áp lực lên Nga. Tuy nhiên, Nga với vị thế của một siêu cường năng lượng, vẫn đang chống chịu được với các biện pháp trên và thậm chí còn thu được nhiều doanh thu hơn từ lĩnh vực này do giá cả tăng phi mã. Trong khi đó, châu Âu - bên phụ thuộc vào năng lượng Nga trong nhiều thập niên - đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng diện rộng, làm lạm phát tăng vọt ở nhiều nước.

Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Dân Trí)