Thế giới

Italy kêu gọi ECB tránh gây căng thẳng khi tăng lãi suất

Tỉ lệ lạm phát tại châu Âu đang đạt mức cao kỷ lục. Điều này được dự báo sẽ làm gia tăng sức ép buộc giới chức ECB phải sớm "ra tay".

Theo TTXVN, ngày 11/6, Bộ trưởng Tài chính Italy Daniele Franco đã kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tránh gây căng thẳng cho thị trường tài chính bằng các động thái hướng tới chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Paris, Pháp, sau khi chủ trì một cuộc họp của các đối tác thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), ông Franco nói: “Điều chúng ta nên tránh là tạo ra những căng thẳng không cần thiết trong bối cảnh này. Các ngân hàng trung ương nên cố gắng chọn một quỹ đạo có xem xét đến các yếu tố tiềm ẩn làm tăng tỉ lệ lạm phát."

Liên quan đến vấn đề lạm phát lần này, Bộ trưởng Franco đã lặp lại nhận xét của Thủ tướng Italy Mario Draghi hôm 9/6, trước khi ECB cam kết có các động thái làm tăng chi phí đi vay, một quyết định khiến lợi suất nợ của quốc gia này tăng vọt.

Thủ tướng Draghi đã nhấn mạnh cách thức lạm phát trong khu vực đồng euro bị tác động bởi nhu cầu ít hơn cung và rằng vẫn còn khả năng dự phòng.

Đồng quan điểm như Thủ tướng Draghi, ông Franco cựu quan chức Ngân hàng trung ương Italy, cho rằng trong những trường hợp như vậy, “việc tăng lãi suất ít phù hợp hơn và không ảnh hưởng nhiều đến kịch bản kinh tế vĩ mô."

Bộ trưởng Franco thừa nhận rằng giá tiêu dùng đang tăng ngay cả khi loại bỏ các yếu tố dễ thay đổi như năng lượng. Ông nói: “Tỉ lệ lạm phát, gần bằng 0 đang tăng lên. Lạm phát cơ bản đang gia tăng."

Trước những ý kiến của Bộ trưởng Tài chính Italy Daniele Franco về việc các ngân hàng trung ương nên cố gắng chọn một quỹ đạo có xem xét đến các yếu tố tiềm ẩn làm tăng tỉ lệ lạm phát thì tổng Thư ký OECD Mathias Cormann lại ủng hộ quyết định của ECB. Ông Cormann nói: “ECB đã báo hiệu một cách rõ ràng về quỹ đạo tương lai khi nói đến các thiết lập chính sách tiền tệ. Rõ ràng các quyết định của ECB không nằm ngoài dự kiến và hoàn toàn phù hợp trong mọi tình huống”.

Các đồng tiền giấy và tiền xu euro tại Dortmund, miền Tây nước Đức. Ảnh: AFP/TTXVN.

Châu Âu đang nỗ lực kiềm chế lạm phát

Trong 10 năm vừa qua, lạm phát quá thấp, Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn phải tìm cách thúc đẩy lạm phát lên mức 2%. Tuy nhiên hiện nay, lạm phát tăng vọt lên tới mức kỷ lục 8,1%, Ngân hàng Trung ương châu Âu bắt buộc phải chuyển hướng, trước tiên là chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ, tiếp đó sẽ là tăng lãi suất cơ bản.

Từ 11 năm trở lại đây, lãi suất cơ bản chỉ được điều chỉnh giảm và 6 năm trở lại đây, lãi suất cơ bản ở mức không thể giảm thêm được nữa. Lãi suất cơ bản đồng Euro dự kiến sẽ được nâng 0,25 điểm phần trăm trong một vài tuần tới.

Thời gian gần đây, tỉ lệ lạm phát tại châu Âu đang đạt mức cao kỷ lục. Điều này được dự báo sẽ làm gia tăng sức ép buộc giới chức ECB phải sớm hành động.

Cụ thể: "Có rất ít khả năng ECB sẽ tiến hành đợt nâng lãi suất đầu tiên trong nhiều năm, ngay sau cuộc họp này. Việc tăng lãi suất sẽ diễn ra trong tháng 7 và là một bước ngoặt đáng chú ý", ông Robert Halver, chuyên gia phân tích thị trường vốn, Ngân hàng Baader, đánh giá.

Theo VTV News, trước tình hình lạm phát gia tăng sức ép lên ECB, giới chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư trên thế giới vẫn dự đoán về một đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong tháng 7. Tuy nhiên, tỉ lệ lạm phát tăng cao cũng làm gia tăng những kỳ vọng về một động thái mạnh tay hơn.

"ECB cần phải tiến hành các đợt tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát, tuy nhiên mức độ nâng sẽ không lớn, để không gây ra những tổn hại nghiêm trọng về kinh tế", ông Robert Halver nhận định.

Một số thành viên Hội đồng Thống đốc đã sẵn sàng cho mức tăng 50 điểm cơ bản. ECB có vẻ như vẫn đang đánh giá thấp tình hình lạm phát. Chúng tôi hy vọng sự ủng hộ cho mức tăng 50 điểm cơ bản sẽ tăng lên trong mùa hè này", ông Mark Wall, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Deutsche Bank, cho biết.

Trước "sức nóng" lạm phát ngày càng tăng cao tại châu Âu, các nước đang nỗ lực kiềm chế lạm phát. Cụ thể ECB dự kiến sẽ chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm vào tháng 9 tới. Tuy nhiên cũng giống như nhiều ngân hàng trung ương khác, hiện cơ hội bình thường hóa chính sách tiền tệ của ECB đang bị thu hẹp do tăng trưởng kinh tế suy yếu.

Trúc Chi (t/h)