Thế giới

Israel và Hamas: Những vũ khí trong cuộc xung đột

Cuộc xung đột vũ trang leo thang giữa hai phe với khả năng quân sự hoàn toàn khác biệt đã khiến nhiều người thiệt mạng.

 
Israel có quân đội mang tính truyền thống, tương tự như quân đội của Mỹ và Anh - với điểm khác biệt lớn nhất là quốc gia này có chế độ quân dịch bắt buộc - trong khi Hamas là một tổ chức được vũ trang đầy đủ.
 
Sky News đã phỏng vấn một số chuyên gia quân sự và xác định những vũ khí khác nhau mà hai phe sử dụng trong cuộc xung đột này.
 
Khí tài quân sự của Israel
 
Giáo sư Michael Clarke cho biết quân đội Israel có lượng lớn xe tăng và xe bọc thép vì những vũ khí này “có thể tạo ra sự khác biệt” khi vượt qua biên giới tới các vùng lãnh thổ khác. 
 
Xe tăng Merkava của Israel có phần tương đồng với xe tăng chủ lực Leopard 2 của Đức, một mẫu xe tăng đã trở nên nổi trội sau khi được sử dụng trong cuộc xung đột tại Ukraine.
 
Được thiết kế và sản xuất chủ yếu tại Israel, xe tăng này có lớp giáp kiên cố phía mặt trước và được trang bị pháo chính cỡ nòng 120mm, cũng như nhiều vũ khí phụ khác.
 
Về không lực, quân đội Israel sử dụng máy bay chiến đấu Kfir - các mẫu máy bay chiến đấu đa nhiệm vụ được thiết kế dựa trên máy bay Mirage của Pháp.
 
Không quân Israel cũng sở hữu nhiều máy bay F-35 Lightning II mà họ mua lại từ Mỹ.
 
Giáo sư Clarke cho biết, quân đội Israel nhìn chung tận dụng công nghệ cao và liên tục đổi mới, và họ cũng thường xuyên tận dụng công nghệ máy bay không người lái.
 
 
 
Trang bị của Hamas
 
Giáo sư Clarke cho biết Hamas là một trong những tổ chức được vũ trang triệt để nhất trên thế giới.
 
Tổ chức này không sử dụng các xe bọc thép như Israel vì nhiều lý do khác nhau, trong đó bao gồm lý do các phương tiện này sẽ bị lộ rõ trong các cuộc tấn công từ phía Israel.
 
“Họ sử dụng những xe như Land Rover Discovery và trang bị súng máy đằng sau xe, ví dụ như những súng máy cỡ nòng .30”.
 
Những phương tiện này có thể có tính cơ động cao và đã được sử dụng một cách vô cùng hiệu quả.
 
Mặc dù Israel có hệ thống phòng không Vòm Sắt vô cùng đáng gờm, Hamas đã có thể làm "choáng ngợp" hệ thống này bằng số lượng khổng lồ các tên lửa mà họ phóng như đã làm trong những ngày gần đây.
 
Tổ chức này sử dụng nhiều phiên bản khác nhau trong số các tên lửa đạn đạo đất-đối-đất Fateh-110 do Iran sản xuất, với khả năng di chuyển cao và có thể mang đầu đạn nặng tới 500kg.
 
Hamas cũng sở hữu nhiều tên lửa chống xe tăng tương tự như Stinger của Mỹ.
 
“Hamas được trang bị kỹ càng với các loại trang bị đặc thù và họ được huấn luyện sử dụng chúng triệt để”.
 
Khi được hỏi về số lượng binh lính mà Hamas điều động, ông Clarke cho biết tổ chức này từng được ước tính bao gồm 10 ngàn binh lính, nhưng ông cũng cho biết “khi bạo lực gia tăng, họ có thể điều động nhiều hơn nữa”.
 
“Vì vậy con số binh lính của họ có thể nhảy vọt từ 10 ngàn lên tới 40 hay 50 ngàn”.

Nguyễn Quang Minh (theo Sky News)