Thế giới

Israel siết chặt vòng vây, Gaza rơi vào khủng hoảng nhân đạo

Một cơn khủng hoảng nhân đạo đang dần hiện rõ tại Gaza, nơi nhiều người dân mắc kẹt và thiếu thốn lương thực, điện.

Ảnh: CNN.

Nadine Abdul Latif, 13 tuổi, sống tại khu phố Al Rimal của thành phố Gaza cho biết, em cùng gia đình đã được hàng xóm và người thân khuyên rời khỏi nhà vào thứ Hai, sau khi Israel đã tuyên bố sẽ không kích khu vực này. Nhưng, họ đã ở lại vì “không có nơi nào an toàn để tới”.

Cha của em, ông Nihad, cũng đã bị mất tích từ ngày thứ Hai. Ông làm việc tại Israel nhưng sau khi Hamas tổ chức vụ tấn công, gia đình đã không thể liên lạc được với ông.

Ảnh: Mohammed Salem/Reuters.

Dải Gaza là một khu vực nội phận do Hamas điều hành, và đã hứng chịu hàng loạt các cuộc không kích kể từ khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Yoav Gallant ra lệnh “bao vây toàn diện” khu vực này, bao gồm cắt đứt nguồn điện, viện trợ lương thực, nước và nhiên liệu vào khu nội phận. 

Các máy bay của Israel đã tấn công hơn 200 đối tượng tại Gaza trong đêm. Con số thương vong ở Gaza hiện đã đạt tới 900, theo số liệu của Bộ Y tế Palestine tại Gaza.

Bộ nội vụ Palestine cho biết, phần lớn các đối tượng bị tấn công là “các toà tháp, tòa nhà dân cư, các cơ sở dịch vụ và công trình dân dụng, nhiều nhà thờ Hồi giáo”. Hamas khẳng định không sử dụng các toà tháp bị tấn công.

Anh Tariq Al Hillu, 29 tuổi, sinh sống tại Al Sudaniya miền Bắc Gaza, đã mô tả về sự hỗn loạn sau khi một vụ không kích xảy ra tại khu vực anh sinh sống vào sáng Chủ Nhật. “Gia đình tôi bắt đầu la hét và chạy ra khỏi nhà, mỗi người chạy một hướng”. Anh cũng cho biết, toàn bộ khu dân cư đã bị san phẳng “mà không hề có sự báo trước”.

Nhiều hàng xóm của anh mắc kẹt bên dưới đống đổ nát, và anh có thể nghe thấy tiếng kêu cứu.

Ảnh: Violeta Santos Moura/Reuters.

Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho Người Palestine Tị nạn (UNRWA) cho biết, họ đã chuyển đổi 83 trường học của tổ chức này tại Gaza thành hầm trú ẩn tạm thời, nhưng trong ngày thứ Hai, họ đã đạt 83% sức chứa, tương đương với hơn 137 ngàn người trú ẩn.

Khác với các thành phố miền Nam Israel, khu lãnh thổ này không có nhiều hầm trú bom hoặc hầm trú ẩn chuyên dụng giúp thường dân tránh các cuộc không kích.

Tình hình “xấu đi theo cấp số nhân”

Gaza là một trong những khu vực đông dân nhất thế giới, với hơn 2 triệu người sinh sống trong một khu vực rộng 360 km vuông. Hơn một nửa dân cư tại đây không có an toàn lương thực và sống dưới mức đói nghèo, theo thông số từ UNRWA.

Israel kiểm soát phần lớn điện, nước, nhiên liệu và một phần lương thực của Gaza, đã áp đặt hàng rào phong tỏa trên bộ, trên biển và trên không nghiêm ngặt xung quanh Gaza, nhưng cũng đã cho phép một số đoàn viện trợ nhân đạo hoặc giao dịch đi qua các đường vào khu vực mà quốc gia này kiểm soát.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trong thứ Hai cảnh báo, tình hình nhân đạo tại Gaza vốn đã “vô cùng thảm khốc trước khi xung đột nổ ra” và “giờ đây sẽ bắt đầu xấu đi theo cấp số nhân”.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã chỉ trích việc ông Gallant kêu gọi bao vây toàn diện là một dạng “trừng phạt tập thể” và là “một tội ác chiến tranh”.

Omar Shakir, quản lý khu vực của HRW, trên CNN cho biết, bình luận của ông Gallant là “đáng ghê tởm” và cáo buộc Israel đang lợi dụng bỏ đói làm “vũ khí chiến tranh”.

Shakir cũng chỉ trích vụ tấn công của Hamas tại Israel và cho biết “việc cố tình tấn công hướng vào dân thường, tấn công bừa bãi và bắt cóc dân thường làm con tin” cũng “được coi là tội ác chiến tranh dưới luật nhân đạo quốc tế”.

Dải Gaza đã từng là mục tiêu không kích của Israel trong nhiều cuộc xung đột kể từ khi lực lượng Israel rút khỏi khu vực này vào năm 2005. Các cuộc đối đầu thường xảy ra giữa các phe phái Palestine và Israel tại Gaza, bao gồm tổ chức Hamas và tổ chức Thánh chiến Hồi giáo.

Một chiến dịch tấn công trên bộ, nếu như được thực hiện, có thể càng làm tồi tệ hơn tình hình nhân đạo tại khu vực này.

Ảnh: Said Khatib/AFP via Getty Images.

Ảnh: Said Khatib/AFP via Getty Images.

Israel kiểm soát người dân Gaza tới Israel thông qua hai chốt biên giới, Erez và Kerem Shalom, cả hai chốt này đều đã bị đóng.

Một số hàng hóa, lương thực và nhiên liệu vẫn được đưa tới Gaza thông qua Ai Cập tại chốt biên giới Rafah, tuy nhiên Eyad al-Bozom, phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Palestine, trong thứ Ba cho biết, chốt biên giới Rafah đã bị tấn công.

Trong những cuộc chiến trước đây giữa Hamas tại Gaza và Israel, Ai Cập đã thường xuyên cho phép viện trợ di chuyển qua chốt Rafah và giúp những người bị thương ra khỏi Gaza để tìm sự hỗ trợ về y tế.

Chương trình Lương thực Thế giới trong Chủ Nhật cho biết, mặc dù phần lớn các cửa hàng trong khu vực giữ “lượng tồn kho lương thực đủ cho một tháng”, những kho dự trữ này “có thể cạn kiệt nhanh chóng khi mọi người mua và dự trữ lương thực để chuẩn bị cho cuộc xung đột kéo dài”. Việc liên tục cắt điện cũng có thể khiến lương thực bị hỏng.

Nguyễn Quang Minh (theo CNN)