Thế giới

Iraq có Tổng thống và Thủ tướng mới, chấm dứt bế tắc chính trị

Sau khi được quốc hội Iraq chọn, tân Tổng thống Abdul Latif Rashid đã ngay lập tức chỉ định Thủ tướng mới cho quốc gia Trung Đông.

Quốc hội Iraq hôm 13/10 đã bầu chính trị gia người Kurd Abdul Latif Rashid từ Đảng Dân chủ Kurdistan (KDP) làm Tổng thống mới của đất nước, chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị kéo dài một năm nay, với cao trào là cuộc bạo loạn ở Vùng Xanh của Baghdad hồi cuối tháng 8 vừa qua.

Ông Rashid giành được 162 trong tổng số 269 phiếu bầu, đánh bại Tổng thống đương nhiệm Barham Salim của Đảng Liên minh Yêu nước của người Kurd (PUK), người chỉ có được 99 phiếu bầu, theo một tuyên bố từ quốc hội Iraq.

Tân Tổng thống Iraq Rashid, 78 tuổi, là một kỹ sư được đào tạo tại Anh và từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nước Iraq từ năm 2003-2010.

Cuộc bỏ phiếu hôm 13/10 đánh dấu sự kết thúc của đợt bế tắc chính trị dài nhất mà Iraq từng chứng kiến kể từ năm 2003, năm mà cựu lãnh đạo Saddam Hussein bị lật đổ.

Ông Abdul Latif Rashid trong một bài phát biểu video trước khi ông được quốc hội bầu làm Tổng thống Iraq, ngày 13/10/2022. Ảnh: Middle East Eye

Ngay sau khi được quốc hội bổ nhiệm, tân Tổng thống Abdul Latif Rashid đã chỉ định ông Mohammed Shia al-Sudani làm Thủ tướng mới của Iraq. Ảnh: MKK News India

Các chính trị gia đã phải vật lộn để thành lập chính phủ kể từ cuộc bầu cử vào tháng 10/2021. Thời điểm đó giáo sĩ Hồi giáo Shiite Muqtada al-Sadr đã giành chiến thắng, với 73 ghế trong quốc hội và có ảnh hưởng đáng kể trong việc thành lập chính phủ.

Tuy nhiên, những nỗ lực của ông Al-Sadr nhằm thành lập một liên minh cầm quyền không mang lại kết quả trong bối cảnh bị các khối đối thủ phản đối, đẩy quốc gia Trung Đông này vào chuỗi ngày dài bị tê liệt chính trị.

Vào tháng 6, ông Al-Sadr, một giáo sĩ vô cùng nổi tiếng, đã ra lệnh cho đảng của mình rút khỏi quốc hội Iraq, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng hiến pháp.

Khi chính phủ Iraq cố gắng bổ nhiệm một Thủ tướng mới vào tháng 7, hàng trăm người ủng hộ ông Al-Sadr đã nhiều lần xông vào vào Vùng Xanh an ninh cao của thủ đô Baghdad, nơi đặt các tòa nhà chính phủ và các cơ quan đại diện nước ngoài.

Hồi cuối tháng 8, ông Al-Sadr tuyên bố sẽ rút lui khỏi chính trường. Những người trung thành với ông đã đáp trả bằng một cuộc bạo loạn trên các con phố của thủ đô, khiến vài chục người thiệt mạng. Sau đó, ông Al-Sadr đã lên tiếng, ra lệnh cho những người ủng hộ ông giải tán.

Kể từ đó, bạo lực lẻ tẻ vẫn tiếp diễn ở Vùng Xanh. Trước phiên họp quốc hội hôm 13/10, 9 quả tên lửa đã dội xuống khu trung tâm thủ đô, khiến một số người bị thương, bao gồm cả một thành viên của lực lượng an ninh Iraq.

Quyền Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi đã lên án các cuộc tấn công, tuyên bố rằng đây là một nỗ lực cản trở tiến trình chính trị hiện tại của đất nước.

Ngay sau khi được quốc hội bổ nhiệm, tân Tổng thống Rashid đã chỉ định ông Mohammed Shia al-Sudani làm Thủ tướng. Tân Thủ tướng Iraq có một tháng để thành lập chính phủ.

Tuy nhiên, việc ông Al-Sudani – ứng cử viên của Khuôn khổ Điều phối, một liên minh bao gồm hầu hết các đảng Shiite do Iran hậu thuẫn – trở thành Thủ tướng Iraq được cho là sẽ gây ra nhiều bất ổn hơn cho quốc gia Trung Đông này.

Minh Đức (Theo CNN, Al Jazeera)