Tài chính - Ngân hàng

[Info] Tỷ phú Trương Gia Bình: Động lực thoát nghèo không ngờ của chàng sinh viên lập nên “đế chế” FPT

Chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình từng là anh sinh viên Toán mê Triết học mang trong mình một khao khát mãnh liệt phải thoát nghèo. Năm 1988, bằng số vốn ít ỏi vay mượn được, ông cùng những cộng sự của mình lập nên FPT mà giờ đây đã có thể gọi là một "đế chế" công nghệ lớn mạnh nhất Việt Nam.

Ông Trương Gia Bình sinh năm 1956, tốt nghiệp khoa Toán cơ, Đại học Tổng hợp Moscow năm 1979 và bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sỹ tại Đại học Tổng hợp Moscow năm 1983. Năm 1991, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Phó giáo sư.

Năm 2006, ông Bình là người giàu nhất trên sàn chứng khoán khi sở hữu khối tài sản 2.400 tỷ đồng. Còn ở hiện tại, con số ấy là 1.490 tỷ đồng (tính theo giá trị cổ phiếu chốt phiên ngày 24/5/2019).

Tài sản hay cái gì đó có lẽ quan trọng với nhiều người nhưng với tập thể FPT thì họ lại chỉ cần một “linh hồn”, một “thủ lĩnh tối cao”. Đó chính là ông Trương Gia Bình.

Ông Trương Gia Bình là một trong những thành viên sáng lập FPT và hiện vẫn giữ chức Chủ tịch HĐQT tại Tập đoàn này dù đã ngoài 60 tuổi. Như ông Bình từng chia sẻ, khát vọng thoát nghèo chính là động lực dẫn dắt ông không ngừng bước tới.

Xuất phát từ sự coi thường của những sinh viên quốc tế khác đối với sinh viên Việt Nam, ngay từ khi còn trẻ ông đã nuôi khát vọng thoát nghèo và bắt đầu xây dựng một "đế chế" của riêng mình.

Năm 1988, sau khi tốt nghiệp Phó Tiến sĩ toán lý tại một trường đại học danh giá nhất Liên Xô (MGU), ông Bình cùng các cộng sự từ bỏ con đường nghiên cứu khoa học cơ bản để chuyển sang làm kinh tế, hy vọng mang lại sự giàu có cho bản thân và đất nước.

Cũng chính thời điểm đó, ông Trương Gia Bình và 12 nhà khoa học đã đồng sáng lập nên FPT từ số tiền vay mượn của GS. Vũ Đình Cự.

FPT khi ấy gần như không vốn liếng, không trụ sở, không tài sản, chỉ có duy nhất một giấc mơ, một khát vọng và giấc mơ khát vọng ấy không thay đổi trong suốt hơn 30 năm qua. Ấy là giấc mơ “mỗi người được sống là chính mình, mỗi người có thể phát huy hết tài năng cá nhân, mang lại cho mình cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần, góp phần hưng thịnh quốc gia”.

Năm 1998, FPT đã có được vị thế tương đối ở thị trường trong nước, tuy nhiên, ông Bình không ngần ngại ở những dự án mới vươn tầm quốc tế với dự định dịch chuyển trọng tâm sang xuất khẩu phần mềm. Mục tiêu của ông là đưa sản phẩm của FPT sánh ngang với Google và Microsoft.

Đến năm 1999, lần đầu tiên trong hành trình của mình, FPT đã thành công trong việc xuất khẩu phần mềm và đến năm 2001 còn ra mắt tờ báo điện tử đầu tiên của Việt Nam là VnExpress.

Không dừng lại ở đó, năm 2003, FPT được vinh danh là Nhà cung cấp điện thoại di động lớn nhất Việt Nam. Năm 2006 thì thành lập trường ĐH FPT và lên sàn chứng khoán.

Trước những đóng góp to lớn cho nền công nghệ nước nhà, năm 2008 FPT vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Hai.

Thừa thắng xông lên, năm 2012, FPT gia nhập lĩnh vực thương mại điện tử với trang web Sendo và đến năm 2015 thì được công nhận là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên được cấp giấy phép viễn thông tại Myanmar .

Trải qua bao khó khăn, thăng trầm, ngày nay FPT đã vô cùng lớn mạnh với vốn điều lệ hơn 4.617 tỷ đồng. Bốn khối kinh doanh chính là: Công nghệ, Viễn thông, Phân phối – Bán lẻ và Giáo dục.

Hiện, FPT đã cung cấp dịch vụ tới 63/63 tỉnh thành tại Việt Nam và không ngừng mở rộng hoạt động trên thị trường toàn cầu với sự hiện diện tại cả 5 châu lục và 33 quốc gia trên thế giới.

Kết thúc năm 2018, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 23.214 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.234 tỷ đồng. Tuy có sự sụt giảm về doanh thu nhưng lợi nhuận gần như không đi xuống.

Có được kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo tài tình của ông Trương Gia Bình. Cảm ơn người thuyền trưởng ấy bằng nhãn quan tuyệt vời của mình đã dẫn dắt con tàu FPT từ buổi đầu khởi sự đi qua hơn 30 năm cuộc đời để tận hưởng trái ngọt của ngày hôm nay.