Thế giới

Indonesia ngừng xuất khẩu than, lo ngại giá than sẽ lao dốc?

Với tồn kho dự trữ trong nước đủ lớn và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang cận kề, các thương nhân Trung Quốc liệu có phải lo lắng về tình hình xuất nhập khẩu than?

Các nhà kinh doanh than ở Trung Quốc, nước tiêu thụ và nhập khẩu nhiên liệu hàng đầu thế giới, cho biết họ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu than do Indonesia áp đặt.

Đồng thời, họ cũng cho biết, các công ty điện lực trong nước đã có tồn kho dự trữ đủ lớn và nhu cầu điện được dự báo sẽ suy yếu khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang cận kề.

Dự trữ than tại các công ty chủ chốt trong ngành tiện ích của Trung Quốc ở các vùng ven biển là khoảng 33 triệu tấn tính đến 1/1, nhiều hơn 57% so với cùng kỳ năm 2021, dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải và Phân phối Than Trung Quốc cho thấy.

Trong khi đó, tiêu thụ than hàng ngày của các nhà máy điện ở Trung Quốc hiện không đổi so với năm ngoái, ở mức 2,2-2,3 triệu tấn, và dự kiến sẽ giảm trong những tuần tới khi các nhà máy đóng cửa để nghỉ lễ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần, và khi Bắc Kinh ra lệnh giảm hoạt động nhà máy xuống để đảm bảo bầu trời quang đãng cho Thế vận hội Olympic mùa đông.

Cảng Hoàng Hoa ở tỉnh Hà Bắc là một trong những cảng vận chuyển than nhiệt quan trọng ở Trung Quốc. Ảnh: Global Times

“Nếu không có đợt thời tiết lạnh giá bất thường nào, thì sẽ không có yếu tố nào khác thúc đẩy nhu cầu than trong thời gian tới”, một nhà kinh doanh than tại Cát Lâm giấu tên cho biết.

Các công ty ngành tiện ích trong khu vực hoàn toàn dựa vào nguồn cung theo hợp đồng dài hạn từ các mỏ trong nước và không cần phải mua từ thị trường giao ngay vào lúc này, vị thương nhân này cho biết.

Tâm trạng bình tĩnh của các thương nhân Trung Quốc vào cuối tuần đầu tiên của tháng 1/2021 trái ngược với báo động làm rung chuyển thị trường toàn cầu sau khi Indonesia, nhà xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới, công bố lệnh cấm xuất khẩu gây sốc hôm 1/1 để đảm bảo nguồn cung trong nước họ.

Giá than nhiệt của Trung Quốc đã tăng hơn 6% trong ngày giao dịch đầu tiên sau khi lệnh cấm được công bố. Tuy nhiên, giá đã hạ nhiệt dần kể từ khi các thương nhân và nhà nhập khẩu Trung Quốc xác định rằng lệnh cấm sẽ có tác động không đáng kể đến thị trường than của Trung Quốc do sự bùng nổ sản lượng trong nước gần đây để đối phó với cuộc khủng hoảng thiếu điện xảy ra vào cuối năm 2021.

Sản lượng trong nước tăng vọt không chỉ đáp ứng nhu cầu từ các công ty tiện ích đến cuối năm 2021, mà còn bổ sung nguồn dự trữ cho các nhà máy phát điện, do đó, các nhà máy này hiện ít phụ thuộc vào nhập khẩu hơn so với năm 2021, khi nhập khẩu tăng khoảng 10% so với năm 2020.

Trên thực tế, các thương nhân cho biết, sự kết hợp của trữ lượng cao và nhu cầu suy yếu đã được kỳ vọng sẽ đẩy giá than xuống thấp hơn. Do đó, lệnh cấm của Indonesia chỉ có tác dụng đẩy giá lên nhất thời.

Lo ngại giá than sẽ lao dốc

Indonesia ban hành lệnh cấm vì lượng than tồn kho thấp tại các nhà máy điện trong nước có thể dẫn đến tình trạng mất điện trên diện rộng.

Theo chính sách Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO), các công ty khai thác than phải cung cấp 25% sản lượng hàng năm cho công ty điện lực nhà nước Perusahaan Listrik Negara (PLN) với mức giá tối đa là 70 USD/tấn, thấp hơn giá thị trường hiện tại.

Kể từ khi lệnh cấm được công bố, các nhà khai thác than Indonesia đã tiến hành khắc phục tình trạng thiếu hụt tồn kho dự trữ của đất nước bằng cách cam kết vận chuyển hàng triệu tấn than cho các nhà sản xuất điện trong nước.

Các nhà chức trách của quốc gia Đông Nam Á này cũng đã cam kết xem xét lại lệnh cấm hôm 5/1.

Nhưng đến ngày 7/1, gián đoạn xuất khẩu vẫn tiếp diễn, gây ra tình trạng tắc nghẽn tàu biển ngày càng tồi tệ hơn ở các cảng than của Indonesia. Điều này đã khiến các nhà nhập khẩu chính than nhiệt của Indonesia như Nhật Bản phải hành động. Cụ thể, Tokyo đã đưa ra yêu cầu chính thức với Jakarta về hủy bỏ lệnh cấm.

Sà lan chở than trên sông Mahakam ở Samarinda, Đông Kalimantan, Indonesia. Ảnh: gCaptain

Tuy nhiên, ở Trung Quốc - nhà nhập khẩu than nhiệt Indonesia hàng đầu, những người tham gia thị trường đang lo ngại hơn về khả năng giá sẽ sụt giảm mạnh khi hoạt động xuất khẩu than của Indonesia khôi phục trong khi sản lượng trong nước vẫn ở mức cao.

Theo dự báo của các nhà phân tích từ Orient Futures, năng lực sản xuất than của Trung Quốc sẽ đạt khoảng 4,58 tỷ tấn vào năm 2022, tăng từ 4,33 tỷ vào năm 2021, bao gồm 230 triệu tấn từ việc khôi phục công suất sản xuất được Bắc Kinh phê duyệt vào năm ngoái để giảm bớt tình trạng thiếu điện tại nền kinh tế số 1 châu Á này.

“Gần như chắc chắn rằng tình trạng dư cung sẽ xảy ra và giá than sẽ lao dốc nếu sản lượng trong nước tiếp tục bùng nổ”, một nhà kinh doanh than có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết.

Minh Đức (Theo SCMP, Reuters)