Thế giới

Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ và cách Malaysia tận dụng thời cơ

Xung đột tại Ukraine đã gây gián đoạn các chuyến hàng dầu hướng dương, việc Indonesia ngừng xuất khẩu dầu cọ càng khiến nguồn cung toàn cầu trở nên khan hiếm hơn.

Bộ Công nghiệp Cây trồng và Hàng hóa Malaysia (MPIC) mới đây đã đề xuất giảm một nửa thuế xuất khẩu đối với dầu cọ, nhằm bù đắp sự thiếu hụt dầu ăn toàn cầu đồng thời nâng thị phần của đất nước. Malaysia vốn là nhà sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới.

Bà Zuraida Kamaruddin, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Hàng hóa Malaysia, chia sẻ qua một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters rằng Bộ này đã đề xuất mức giảm thuế dầu cọ cho Bộ Tài chính, cơ quan đã thành lập một ủy ban để xem xét chi tiết đề xuất. Bà Zuraida cho biết việc giảm thuế có thể chỉ là tạm thời, từ mức 8% hiện tại xuống còn 4-6%. Quyết định có thể được đưa ra sớm nhất vào tháng 6.

Malaysia hiện đang tìm kiếm biện pháp nhằm nâng thị phần trên thị trường dầu ăn thế giới, sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ đã gây gián đoạn các chuyến hàng dầu hướng dương. Bên cạnh đó, việc Indonesia ngừng xuất khẩu dầu cọ càng khiến nguồn cũng toàn cầu trở nên thắt chặt.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), cuộc xung đột ở Ukraine có thể khiến giá lương thực tăng tới 20%, làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng trên toàn cầu.

Indonesia hiện là quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, chiếm hơn 1/3 lượng dầu thực vật xuất khẩu toàn cầu. Quốc gia này đã công bố lệnh ngừng xuất khẩu dầu cọ vào hôm 22/4 cho đến khi có thông báo mới, đây là một phần trong những nỗ lực nhằm giải quyết việc tăng giá trong nước. 

Bà Zuraida Kamaruddin, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Hàng hóa Malaysia. Ảnh: New Straits Times.

Bà Zuraida nhận định: “Trong thời kỳ khủng hoảng này, có lẽ chúng ta nên nới lỏng một chút để có thể tăng xuất khẩu nhiều dầu cọ hơn”. Đề xuất cũng yêu cầu Bộ Tài chính xúc tiến việc giảm thuế đối với FGV Holdings (FGVH.KL) - doanh nghiệp sản xuất dầu cọ lớn nhất Malaysia có liên kết với nhà nước.

Ngoài ra, Malaysia sẽ trì hoãn việc triển khai quy định người dân sử dụng dầu diesel sinh học B30 với 30% hàm lượng từ dầu cọ nhằm ưu tiên cung cấp dầu cọ cho các ngành công nghiệp thực phẩm trong nước và thế giới. Bà Zuraida nhấn mạnh: “Chúng ta phải ưu tiên cung cấp thực phẩm cho thế giới trước”.

Dầu cọ được sử dụng trong rất nhiều thứ, từ bánh ngọt, chất béo chiên rán cho đến mỹ phẩm hay sản phẩm tẩy rửa. Loại dầu này chiếm gần 60% các lô hàng dầu thực vật toàn cầu. Giá dầu cọ thô giao sau đã tăng khoảng 35% trong năm nay lên mức cao nhất mọi thời đại, làm trầm trọng thêm lạm phát lương thực toàn cầu.

Bộ trưởng Zuraida chia sẻ rằng một số nước nhập khẩu đã yêu cầu Malaysia giảm thuế xuất khẩu, “Họ cảm thấy thuế xuất khẩu ở mức quá cao”. Các đối tác từ Ấn Độ, Iran và Bangladesh cũng đề xuất trao đổi những sản phẩm nông nghiệp như gạo, lúa mì, trái cây và khoai tây để lấy dầu cọ Malaysia.

Hoạt động sản xuất của Malaysia đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong suốt hơn hai năm do các biện pháp phong tỏa biên giới nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến dòng lao động nhập cư. Bà Zuraida cho biết với việc các hạn chế đi lại được nới lỏng, công nhân nước ngoài sẽ bắt đầu trở lại Malaysia vào giữa tháng 5 này.

Phạm Hà Thanh (theo Reuters, Money Control)