Thế giới

IMF: Kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại năm 2023

“Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến, và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái”, Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF nhận định.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 11/10 đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2023 trong bối cảnh áp lực từ cuộc xung đột Nga – Ukraine ngày càng lớn, giá năng lượng và lương thực leo thang, lạm phát và lãi suất tăng mạnh. Tổ chức này cũng cảnh báo rằng tình hình có thể còn tệ hơn nữa trong năm tới.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF cho thấy một phần ba nền kinh tế thế giới có thể sẽ thu hẹp lại vào năm tới, do đó các cuộc họp thường niên trực tiếp đầu tiên giữa IMF và Ngân hàng Thế giới sẽ diễn ra nghiêm túc hơn sau 3 năm.

“3 nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng Euro sẽ tiếp tục đình trệ”, ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF cho biết trong một tuyên bố. “Nói tóm lại, điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến, và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái”, ông nhận định.

Ông Pierre-Olivier Gourinchas (thứ 2 từ trái sang), nhà kinh tế trưởng của IMF phát biểu trong một cuộc họp báo tại Washington ngày 11/10. Ảnh: CTV News

IMF cho biết tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm tới sẽ chậm lại 2,7%, thấp hơn 0,2% so với mức đưa ra hồi tháng 7, vì kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh lãi suất tăng cao, châu Âu phải vật lộn với giá khí đốt tăng vọt, và Trung Quốc đối mặt với nhiều rủi ro do các đợt phong tỏa do Covid cũng như lĩnh vực bất động sản đang rơi vào khủng hoảng.

IMF vẫn duy trì mức dự báo tăng trưởng năm 2022 ở mức 3,2%, giảm 6% so với năm 2021.

Tổ chức cho vay đa phương cho biết nền kinh tế Mỹ sẽ tăng 1,6% trong năm nay, giảm so với ước tính 2,3% vào tháng 7 và giảm đáng kể so với mức 5,7% năm 2021. IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2023 của Mỹ ở mức 1%.

Lạm phát vẫn rủi ro lớn nhất

IMF cho biết rủi ro đối với tăng trưởng vẫn cao bất thường, trong đó có các tính toán sai lầm của các ngân hàng trung ương khi họ tăng lãi suất để chống lại lạm phát; đồng USD tăng giá; giá năng lượng và thực phẩm tăng bất ngờ; và sự sụt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga sang châu Âu. Một số khác sẽ là cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Trung Quốc do lĩnh vực bất động sản gây ra và sự trỗi dậy của Covid-19 hay những mối đe dọa sức khỏe toàn cầu mới.

Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết sự suy thoái kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ quét sạch 4 nghìn tỷ USD khỏi tăng trưởng toàn cầu từ nay đến năm 2026. Con số này gần bằng quy mô của nền kinh tế Đức.

Người dân đi mua thực phẩm ở Oklahoma, Mỹ. Ảnh: LA Times

Các nhà kinh tế IMF cho biết, lạm phát ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ đã trở thành mối đe dọa trực tiếp đáng kể nhất đối với nền kinh tế toàn cầu. Nó siết chặt thu nhập và gây bất ổn cho các hoạt động kinh tế.

IMF dự kiến lạm phát toàn cầu sẽ đạt đỉnh trong năm nay ở mức 8,8%, trước khi hạ nhiệt xuống 6,5% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024. Lạm phát ở các nền kinh tế tiên tiến năm nay sẽ ở mức 7,2%, cao nhất kể từ năm 1982.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang tăng lãi suất ở mức nhanh nhất trong nhiều thập kỷ để cố gắng kiềm chế lạm phát bằng cách tăng trưởng chậm lại. Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới cũng đang đi theo xu hướng này.

Theo các nhà kinh tế IMF, việc lạm dụng tăng lãi suất có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu đi vào suy thoái mạnh hơn mức cần thiết để làm suy yếu áp lực giá cả, trong khi việc dừng lại quá sớm sẽ cho phép lạm phát cao trở nên cố hữu và đòi hỏi phải tăng lãi suất nhiều hơn nữa.

Nguyễn Tuyết (Theo WSJ, US News)