Thế giới

IMF: Kinh tế thế giới vẫn có thể tránh được nguy cơ suy thoái

Thế giới vẫn có thể tránh được nguy cơ suy thoái trong năm nay nếu không có cú sốc tiêu cực nào, ngay cả khi xảy ra tình trạng suy giảm ở một số nền kinh tế.

Đây là nhận định của Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva trong buổi họp báo về tình hình kinh tế thế giới ngày 12/1.

Theo bà Georgieva, hiện chưa thể đánh giá đầy đủ tác động của việc thắt chặt các điều kiện tài chính, tuy nhiên các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát.

“Lạm phát vẫn còn dai dẳng, do đó, công việc của các ngân hàng trung ương vẫn chưa hoàn tất", Giám đốc điều hành IMF nhấn mạnh.

Điều này cho thấy các ngân hàng trung ương có thể cần tiếp tục tăng lãi suất, cân bằng giữa việc giảm nhu cầu và tránh đẩy các nền kinh tế vào suy thoái. Động thái này sẽ đi kèm với nhiều rủi ro.

Bà Georgieva nhấn mạnh sự cần thiết phải xem việc thắt chặt các điều kiện tài chính ảnh hưởng đến thị trường lao động như thế nào và có thể dẫn đến căng thẳng hơn giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.

Tuy nhiên, IMF khẳng định “có thể tránh được suy thoái kinh tế toàn cầu” nếu không có cú sốc tiêu cực nào xảy ra, ngay cả khi một số quốc gia ghi nhận suy thoái, bà Georgieva nói. Những cú sốc như vậy có thể bao gồm tình trạng bất ổn xã hội và lan rộng giữa các quốc gia, hoặc xung đột Nga - Ukraina trầm trọng hơn.

Bà Georgieva cho rằng mặc dù việc thắt chặt hơn các điều kiện tài chính sẽ tác động mạnh tới các nước có mức nợ cao nhưng IMF không thấy nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nợ mang tính hệ thống.

Theo Tổng giám đốc IMF, một hội nghị bàn tròn toàn cầu mới về nợ quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 2 với sự tham gia của các chủ nợ chính và các nhà tài chính tư nhân.

Dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm hơn trong năm nay khi các ngân hàng trung ương, trong đó có Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, bà Georgieva cũng bày tỏ lạc quan về sự hồi phục kinh tế Mỹ, với dự báo kinh tế nước này sẽ tránh được suy thoái trong năm nay và “hạ cánh mềm."

Bên cạnh đó, bà Georgieva cho biết thêm có nhiều hy vọng rằng Trung Quốc, trước đây đóng góp khoảng 35% đến 40% tăng trưởng toàn cầu nhưng đã có kết quả "đáng thất vọng" trong năm 2022, sẽ một lần nữa đóng góp vào tăng trưởng toàn cầu, có thể là từ giữa năm 2023. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc vào việc Bắc Kinh không thay đổi hướng đi và bám sát kế hoạch đảo ngược các chính sách zero Covid.

Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, báo Lao Động)