Kinh tế vĩ mô

IMF khuyến nghị Việt Nam cần cải cách cơ cấu quyết liệt

IMF cho rằng, để có thể đạt mục tiêu GDP bình quân đầu người 4.700 - 5.000 USD vào năm 2025, Việt Nam sẽ cần phục hồi mạnh mẽ, tăng khả năng chống chịu và cải cách.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 được tổ chức ngày 5/12, đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào Francois Painchaud đã trình bày bản tham luận về diễn biến kinh tế thế giới và Việt Nam qua đại dịch Covid-19, cùng một số khuyến nghị chính sách thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Bất chấp đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, IMF cho rằng khu vực châu Á sẽ tiếp tục đà phục hồi kinh tế. Tuy dự báo tăng trưởng cho năm 2021 đã bị hạ xuống so với ước tính trước đó, khả năng tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á trong năm 2022 được nhìn nhận là khả quan và cho thấy dấu hiệu phục hồi.

Tuy vậy, đại dịch Covid-19 vẫn đã và đang để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế, đặc biệt là chuỗi cung ứng khi giá cả hàng hóa và giá container tăng cao. Các nền kinh tế mới nổi và phát triển tại châu Á đều vì vậy mà có tăng trưởng thấp hơn dự kiến trước đó. Để ứng phó với hậu quả đại dịch, hầu hết các quốc gia đều tăng chi ngân sách hỗ trợ, đi kèm với đó là miễn giảm và hoãn thuế. 

Chỉ số giá container toàn cầu của Drewry, tính theo USD trên một container 40 ft, từ tháng 12/2019 đến tháng 12/2021. Nguồn: Drewry

Tại Việt Nam, nền kinh tế đã bị gián đoạn nghiêm trọng do đợt dịch lớn trong năm 2021. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp, doanh thu bán lẻ và xuất nhập khẩu đều giảm sâu từ khoảng tháng 4 - thời điểm bắt đầu đợt dịch thứ 4 - và chỉ mới có dấu hiệu phục hồi gần đây. 

Bên cạnh đó, hàng triệu người lao động cũng mất việc làm, phần lớn là lao động trong khu vực phi chính thức; lương trung bình cũng giảm đáng kể. IMF cho rằng một phần nguyên nhân đến từ việc các doanh nghiệp Việt Nam nằm trong nhóm dễ bị tổn thương trước khi đại dịch diễn ra, thể hiện qua tỷ suất lợi nhuận ròng trên tài sản thấp và đòn bẩy tài chính cao ở các doanh nghiệp lớn. 

Thị trường lao động Việt Nam đến quý 3/2021, tỉ lệ theo %. Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Để ứng phó với hậu quả đại dịch và và hỗ trợ phục hồi kinh tế, IMF khuyến nghị chính phủ Việt Nam tăng chi tiêu cho y tế, tiêm chủng và trợ cấp, thực hiện chuyển lỗ ngược, tăng cường đầu tư công, hỗ trợ đầu tư tư nhân và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, để có thể đạt mục tiêu GDP bình quân đầu người 4.700 - 5.000 USD vào năm 2025, IMF cho rằng Việt Nam cần cải thiện khả năng chống chịu của nền kinh tế và có những cải cách cơ cấu quyết liệt