Công nghệ

IMF: Không có mô hình chung cho tiền điện tử ngân hàng trung ương

Kết quả từ những thử nghiệm đầu tiên về tiền điện tử ngân hàng trung ương (CBDC) trên thế giới cho thấy không có mô hình nào phù hợp với mọi quốc gia, theo IMF.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hiện đang có khoảng 100 quốc gia xem xét tiền điện tử phát hành bởi ngân hàng trung ương (CBDC). Ngày 9/2, IMF đã xuất bản một báo cáo nghiên cứu 6 quốc gia hiện đang đi đầu về lĩnh vực CBDC, bao gồm Trung Quốc, Thụy Điển và Bahamas. 

Trong bài phát biểu trình bày báo cáo, Giám đốc Điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết có một số bài học chủ chốt được rút ra từ kinh nghiệm của các quốc gia trên. Bà Georgieva cho rằng nếu CBDC được thiết kế thận trọng và đầy đủ, chúng có thể tăng cường sức chống chịu, khiến việc tiếp cận dịch vụ tài chính dễ dàng hơn và giảm chi phí lưu chuyển tiền bạc. Bên cạnh đó, CBDC cũng có thể an toàn hơn so với các loại tiền và tài sản mã hóa vốn có độ bất ổn giá trị cao. 

Tuy nhiên, Giám đốc IMF Georgieva cũng cho rằng không có mô hình CBDC nào có thể được áp dụng cho mọi quốc gia, khi loại tiền điện tử này vẫn chủ yếu trong giai đoạn khởi đầu. Bà Georgieva nhấn mạnh rằng phải ưu tiên ổn định hệ thống tài chính và bảo đảm quyền riêng tư khi thiết kế CBDC, trong khi vẫn cân bằng giữa mục tiêu thiết kế và mục tiêu chính sách của CBDC. 

Một trong những lý do chính mà nhiều ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang nghiên cứu và định hướng ra mắt tiền điện tử là nhằm ngăn việc các tập đoàn công nghệ lớn, hay còn gọi là Big Tech, kiểm soát quá mức dòng tiền lưu chuyển trong nền kinh tế, nhất là khi việc sử dụng tiền mặt đang có xu hướng giảm dần.  

Bahamas đã phát hành tiền Đô la Bahamas điện tử mang tên “Sand Dollar”. Trong khi đó, Trung Quốc là cường quốc đang dẫn đầu về lĩnh vực CBDC; đồng NDT điện tử (e-CNY) đang được thử nghiệm rộng tại Bắc Kinh và nhiều nơi khác trong Olympic Mùa đông 2022. Ngân hàng Trung ương Châu Âu thì khởi động dự án đồng Euro điện tử vào tháng 7/2021; dự án này sẽ bao gồm giai đoạn nghiên cứu kéo dài 24 tháng và sau đó dự kiến được triển khai trong 3 năm. 

Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có vẻ dè dặt hơn với tiền điện tử, nhưng cũng đã xuất bản một báo cáo về vấn đề này vào tháng 1/2022 và bắt đầu giai đoạn lấy ý kiến công luận kéo dài 120 ngày nhằm xem xét ưu nhược điểm của đồng USD điện tử. Fed đã bày tỏ rõ thái độ rằng cơ quan này không nghiêng về phía “kết quả” nào, cho biết dù tiền điện tử có thể thay đổi hệ thống tài chính và đẩy nhanh tốc độ thanh toán, nó cũng có thể làm suy yếu các ngân hàng, gây bất ổn định hệ thống tài chính và tạo ra nhiều vấn đề về quyền riêng tư. 

Trung Quốc hiện đang thử nghiệm ứng dụng NDT điện tử (e-CNY). Ảnh: SCMP. 

Lo ngại “đô la hóa điện tử”

Trong một hội thảo về CBDC do Hội đồng Thái Bình Dương (Atlantic Council) tổ chức, ông Tobias Adrian - một quan chức cấp cao của IMF tham gia soạn thảo báo cáo về CBDC - cho rằng một mối lo ngại then chốt của các quốc gia nghèo hơn là xu hướng “đô la hóa điện tử”. Nói cách khác, công dân các nước này có thể sẽ từ bỏ đồng tiền quốc gia để sử dụng CBDC do các ngân hàng trung ương nước lớn phát hành.

Theo ông Adrian, đô la hóa vốn đã là nguy cơ đối với nhiều quốc gia có nền kinh tế bị coi là bất ổn, nhưng CBDC và quá trình điện tử hóa tiền tệ nói chung có thể làm nguy cơ này trở nên cấp thiết và nghiêm trọng hơn. 

Ông Mặc Trường Xuân, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tiền Kỹ thuật số thuộc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc cũng đã đề cập đến rủi ro đột biến rút tiền gửi khi mọi người đổ xô rút tiền khỏi các tài khoản ngân hàng thương mại và gửi vào ngân hàng trung ương.

Trong cùng hội thảo trên, ông Mặc cho biết: “Chúng tôi sử dụng chính sách chủ yếu không trả lãi tiền gửi dưới dạng này… Chúng tôi cũng có thể đưa ra một mức phí nhất định đối với việc rút lượng lớn tiền hoặc rút tiền thường xuyên từ hệ thống e-CNY trong các kịch bản căng thẳng hoặc biến động mạnh”.

Tùng Phong (Theo Reuters)