Thế giới

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Rủi ro kinh tế toàn cầu suy giảm đến từ xung đột leo thang, các lệnh trừng phạt đối với Nga, kinh tế Trung Quốc tăng chậm hơn dự báo ​và nguy cơ bùng phát đại dịch.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo triển vọng tăng trưởng thế giới của mình nhiều lần kể từ những tháng đầu khi đại dịch Covid-19 bùng phát. IMF cho rằng lạm phát thậm chí còn cao hơn nữa sau khi xảy ra xung đột quân sự Nga-Ukraine và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc gia tăng áp đặt các biện pháp hạn chế sự lây lan của vi-rút.

Trong bản cập nhật về Triển vọng Kinh tế Thế giới được công bố hôm 19/4, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 sẽ chậm lại còn 3,6%, giảm so với ước tính 4,4% đưa ra hồi tháng 1 năm nay khi Nga chưa triển khai can thiệp quân sự vào Ukraine. Dự báo mới thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 6,1% năm 2021. Tổ chức tài chính này cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống còn 3,6%, từ ước tính 3,8% đưa ra trước đó.

IMF dự kiến ​​lạm phát vào năm nay sẽ ở mức 5,7% đối với các nền kinh tế tiên tiến, trong khi con số đối với các nước mới nổi và đang phát triển là 8,7%, cao hơn đáng kể so với ước tính chỉ vài tháng trước. Tốc độ tăng giá tiêu dùng dự báo ​​sẽ chậm lại lần lượt ở mức 2,5% và 6,5% đối với hai nhóm quốc gia trên vào năm 2023. IMF cho rằng những rủi ro gia tăng khiến lạm phát trở nên khó kiểm soát và các ngân hàng trung ương hướng đến thắt chặt chính sách tiền tệ hơn.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 và 2023 (cột đỏ: tăng trưởng toàn cầu giaI đoạn 1980-2021, cột vàng: mức dự báo của IMF đưa ra vào tháng 1/2022, cột xanh: mức dự báo của IMF đưa vào tháng 4/2022). Ảnh: Bloomberg.

Quỹ tiền tệ có trụ sở tại thủ đô Washington D.C dự báo ​​nền kinh tế Ukraine sụt giảm 35% vào năm 2022, nguyên nhân do nước này phải gánh chịu hậu quả trực tiếp từ cuộc xung đột. Trong khi đó, kinh tế nước Nga có thể sẽ giảm 8,5% do các biện pháp trừng phạt của phương Tây và niềm tin suy yếu.

IMF nhận định tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ lan rộng ra bên ngoài phạm vi hai nước. Tại Mỹ và một số khu vực châu Âu, lạm phát đang tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Điều này thúc đẩy các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn so với dự kiến ​​trước đây.

Vào tuần trước, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết tác động của xung đột Nga - Ukraine sẽ khiến cơ quan này hạ vào dự báo tăng trưởng năm nay của 143 nền kinh tế thành viên, vốn chiếm tới 86% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF đã viết trong báo cáo mới đây: “Trong vài tuần nữa, thế giới sẽ trải qua một cú sốc lớn mang tính bước ngoặt”; “Ngay khi sự hồi phục kinh tế toàn cầu từ suy thoái do đại dịch đang ở trong tầm mắt, thì xung đột đã tạo nên viễn cảnh thực tế xóa bỏ phần lớn những thành quả gần đây”.

IMF dự báo mức tăng trưởng ở khu vực đồng Euro bị sụt giảm mạnh, dự kiến chỉ còn 2,8% vào năm nay so với ước tính 3,9% trước đó. Nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ được dự báo ít bị ảnh hưởng hơn bởi xung đột, tăng trưởng 3,7% trong năm nay so với dự báo trước ở mức 4%. IMF ước tính nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc tăng trưởng 4,4% vào năm nay, giảm so với dự báo 4,8% trước đó đồng thời thấp hơn mục tiêu mà nước này đặt ra là khoảng 5,5%.

Nhìn chung, IMF dự báo vào năm nay các nền kinh tế tiên tiến tăng trưởng 3,3%, trong khi các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng 3,8%. Các con số này đều giảm so với ước tính trước đó lần lượt ở mức 3,9% và 4,8%.

Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) Kristalina Georgieva. Ảnh: Getty Images.

Dự báo cơ sở của IMF dựa trên giả định rằng cuộc xung đột chỉ diễn ra trong phạm vi ở Ukraine, đồng thời các lệnh trừng phạt đối với Nga và kế hoạch của châu Âu nhằm giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga sẽ không thắt chặt hơn những công bố hồi cuối tháng 3.

Tuy nhiên sự không chắc chắn vẫn ở mức cao. Rủi ro kinh tế suy giảm hơn nữa đến từ việc xung đột leo thang, gia tăng các lệnh trừng phạt đối với Nga, kinh tế Trung Quốc chậm hơn dự báo ​và nguy cơ bùng phát đại dịch nếu xuất hiện các biến thể Covid-19 mới nguy hiểm. Sự mất cân bằng cung-cầu ngày càng trầm trọng có thể khiến tình trạng lạm phát cao kéo dài, buộc các ngân hàng trung ương đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất.

MF cũng lưu ý đến rủi ro do nợ ở các thị trường mới nổi gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh các nền kinh tế tiến tiến thắt chặt chính sách tiền tệ. Một số nền kinh tế sẽ yêu cầu tái cơ cấu nợ có chủ quyền để ưu tiên nguồn lực cho chi tiêu y tế, xã hội và phát triển. IMF dự báo thương mại toàn cầu tăng trưởng 5% vào năm 2022, bằng một nửa so với năm 2021.

Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, CNBC)