Quân sự

Idlib bị không kích dữ dội, Thổ Nhĩ Kỳ biết làm gì để làm "nguội cái đầu nóng" của Nga?

Tình hình Idlib đã leo thang nghiêm trọng với các cuộc tấn công nói lên sự mất kiên nhẫn của Nga và quân Chính phủ. Thổ Nhĩ Kỳ không còn nhiều thời gian để cầm cự trước một chiến dịch quy mô lớn có thể làm tổn hại lợi ích của nước này.

Khủng hoảng Idlib tiếp tục làm nóng cuộc chiến Syria.

Ankara và Moscow một lần nữa phải đối mặt với sự leo thang trên lãnh thổ cuối cùng của phe nổi dậy, một diễn biến đặt sự hợp tác của cả hai vào thách thức nghiêm trọng trong cuộc chiến kéo dài 8 năm tàn phá Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang tiếp đón hơn 3,6 triệu người tị nạn Syria, đang phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ từ Syria, Iran và Nga trong việc cam kết kiểm soát các phe nổi dậy vũ trang ở Idlib.

Một cuộc tấn công toàn diện của lực lượng Chính phủ Syria nhằm chiếm Idlib ở tây bắc Syria từ quân nổi dậy có thể mở ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có, vì khu vực này là nơi trú ngụ của 3 triệu người.

Thổ Nhĩ Kỳ cần Nga kiềm chế Tổng thống Syria Bashar Assad để ngăn chặn dòng người tị nạn ồ ạt và giữ an toàn cho các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện tại đây.

“Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin có động cơ hợp tác để đảm bảo rằng lợi ích của ai đó không bị vùi dập hoàn toàn”, Aaron Stein, người đứng đầu chương trình Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại của Mỹ, nhận định.

Vào tháng 9 năm ngoái, hai nhà lãnh đạo đã thiết lập lệnh ngừng bắn ở Idlib, ngăn chặn một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn, bất chấp sự khác nhau về lập trường khi  Nga kiên quyết ủng hộ chính quyền Assad và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ lực lượng đối lập. Chín tháng sau, thỏa thuận ngừng bắn thất bại.

Thỏa thuận hướng đến một khu vực phi quân sự kéo dài từ 15 đến 20 km, không có quân nổi dậy và vũ khí hạng nặng, đồng thời cho hai đường cao tốc xuyên qua Idlib được mở trở lại. Khu phi quân sự đã bị vi phạm và đường cao tốc là trung tâm của cuộc tấn công của quân Chính phủ hiện tại.

Các lực lượng mặt đất Syria đã tiến công từ phía Nam thành trì cuối cùng của phiến quân dưới vỏ bọc là các cuộc không kích của Syria và Nga.

Đài quan sát nhân quyền Syria cho biết, hơn 291 thường dân và 369 chiến binh đã bị giết kể từ ngày 30/4 ở khu vực Idlib. Trong cùng thời gian, 269 binh sĩ Chính phủ và 22 thường dân đã thiệt mạng do hỏa lực của phe nổi dậy.

Theo Liên Hợp Quốc, hơn 200.000 người từ các thành trì này đã phải di dời, với một số người tìm kiếm sự an toàn gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ trong khi những người khác chen chúc vào các trại tị nạn đông đúc ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc Chính phủ Syria vi phạm lệnh ngừng bắn và Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết nước này đã nói với Nga về việc quân đội Syria “cần phải được kiểm soát”.

Nga đã tiến hành cuộc không kích ở Idlib và đang cung cấp không quân trong cuộc tấn công của Chính phủ Syria. Moscow đã phàn nàn về việc chiến binh ngày càng tăng cường các cuộc tấn công vào căn cứ quân sự của nước này ở tỉnh Latakia gần đó.

Nhưng hiện tại, Moscow khó có thể hỗ trợ một chiến dịch toàn diện của chính quyền Syria ở Idlib vì lợi ích liên minh lâu dài với Thổ Nhĩ Kỳ quan trọng hơn một động thái quân sự.

“Nga không muốn hủy hoại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ vì Idlib”, Kirill Semenov, nhà phân tích và chuyên gia về Trung Đông từ Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, cho biết.

Vào cuối tháng 4, Tổng thống Putin nói rằng ông sẽ không loại trừ một cuộc tấn công quy mô lớn, nhưng lưu ý rằng điều này không phải ưu tiên hàng đầu vì vấn đề nhân đạo.

Tuy nhiên, sự kiên nhẫn của Nga đang vơi đi với việc nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS), thường xuyên mở cuộc tấn công nhắm vào căn cứ quân sự của nước này. HTS được coi là một tổ chức khủng bố mặc dù đã tuyên bố tách khỏi al-Qaida.

Trong khi đó, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn, Thổ Nhĩ Kỳ đã không thể vô hiệu hóa những kẻ cực đoan. Phần lớn Idlib đã nằm dưới sự kiểm soát của HTS, lực lượng đã đánh bại các nhóm vũ trang được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Hai nhà lãnh đạo Nga-Thổ sẽ gặp nhau ở G-20.

Emre Ersan, Phó Giáo sư về quan hệ quốc tế và khoa học chính trị tại Đại học Marmara của Istanbul, tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã đánh giá quá cao ảnh hưởng của mình đối với HTS. Ông nói rằng kế hoạch chia tách nhóm này của Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp nhận các thành viên ôn hòa vào lực lượng do mình hậu thuẫn đã không hiệu quả.

Thay vào đó, HTS đã sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ làm đòn bẩy chống lại Nga và Iran.

Thêm vào những rủi ro nói trên, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang trong tình trạng khó khăn. Hai binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị thương hồi đầu tháng 5 trong một cuộc pháo kích của Chính phủ Syria vào một đài quan sát.

Ba cuộc tấn công khác đã được hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ thông báo, đặt ra câu hỏi về việc các cuộc tấn công này là vô tình hay có chủ ý để gây áp lực với Ankara.

Hai nhà lãnh đạo Erdogan và Putin đã có cuộc điện đàm với nhau, trong đó cả hai đồng ý tiếp tục làm việc theo các thỏa thuận ngừng bắn để ngăn chặn thương vong dân sự và khủng hoảng tị nạn. Họ cũng đồng ý gặp nhau bên lề hội nghị G-20 vào tháng tới tại Nhật Bản.

“Ngoài việc đối thoại và hợp tác, không có gì trên mặt đất có thể ngăn chặn thảm họa ở Idlib”, chuyên gia Er Ersan nói.

Hai nhà lãnh đạo Nga-Thổ đã trở nên gần gũi kể từ năm 2016, xây dựng lại mối quan hệ của họ sau cuộc khủng hoảng năm 2015 khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay Nga gần biên giới Syria.

Mối quan hệ cả hai được đong đầy trong trong bối cảnh mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ ngày càng mong manh, đặc biệt liên quan đến sự hỗ trợ của Washington đối với các lực lượng người Kurd, nhóm kiểm soát các vùng đất lớn ở miền Đông Syria. Ankara luôn coi người Kurd như cái gai trong mắt.

Tổng thống Erdogan cho đến nay vẫn kiên định với lời hứa sẽ mua tên lửa S-400 do Nga sản xuất mặc dù Mỹ cảnh báo hệ thống này sẽ gây nguy hiểm cho sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình sản xuất tiêm kích F-35.

Chuyên gia Stein gọi đây là một chiến thắng lớn cho Nga, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đang loay hoay tìm cách có cả S-400 và F-35.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang nói chuyện với Mỹ về vùng an toàn ở phía đông bắc Syria và đã nhiều lần yêu cầu Mỹ chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo, hay còn gọi là SDF. Ông Erdogan cũng sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại G-20.

Chuyên gia Ersan tin rằng Nga có thể cho phép Thổ Nhĩ Kỳ lấy thị trấn phía bắc Tel Rifaat từ các chiến binh người Kurd, thị trấn cuối cùng mà họ kiểm soát ở phía Tây Syria.

Sự hỗ trợ của Nga có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ gây áp lực lên SDF, mở rộng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ và tăng cường tiếng nói trong các cuộc đàm phán đang diễn ra với Mỹ

“Đổi lại”, ông lập luận, “Thổ Nhĩ Kỳ có thể mở cửa cho một số hoạt động hạn chế của Syria đối với Idlib”.