Thế giới

IAEA: Iran chuyển máy móc chế tạo máy ly tâm tới cơ sở hạt nhân Natanz

IAEA cho biết, Iran đã chuyển toàn bộ máy móc dùng để chế tạo linh kiện máy ly tâm từ nhà xưởng bỏ hoang tại Karaj tới một địa điểm chưa xác định ở Natanz.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 6/4 cho biết, Iran vừa chuyển toàn bộ số máy móc dùng để chế tạo linh kiện máy ly tâm từ nhà xưởng bỏ hoang ở Karaj tới cơ sở Natanz đang trong quá trình tái thiết. Động thái trên diễn ra chỉ 6 tuần sau khi Tehran xây dựng một cơ sở tương tự ở Isfahan để chế tạo thiết bị phục vụ làm giàu hạt nhân này.

Điều này làm dấy lên nghi vấn liệu nước này có đang tìm cách gia tăng sản xuất máy ly tâm bằng cả 2 cơ sở Natanz và Isfahan hay không.

“Trong ngày 4/4, các thanh sát viên của IAEA đã xác nhận toàn bộ số máy móc đó vẫn còn nguyên niêm phong của IAEA ở Natanz và vì thế chúng vẫn chưa được đưa vào sử dụng”, IAEA nhấn mạnh trong một báo cáo gửi các quốc gia thành viên.

Tuy nhiên, theo một thỏa thuận được k‎ý kết hơn một năm trước, IAEA không được tiếp cận dữ liệu mà số camera giám sát đã ghi lại tại cơ sở mới ở Isfahan. “Vì không được tiếp cận dữ liệu từ các camera, nên IAEA không thể xác nhận liệu Iran đã bắt đầu sản xuất linh kiện máy ly tâm tại nhà xưởng Isfahan hay chưa”, cơ quan này lưu ý.

Tháng 12/2021, Iran đã chấp thuận cho các thanh sát viên IAEA tới cơ sở Karaj để lắp đặt lại các camera giám sát sau nhiều tháng đình trệ. Trước đó, xưởng Karaj bị phá hủy trong một cuộc tấn công phá hoại mà Iran đổ lỗi cho Israel. Tehran đã loại bỏ các camera còn sót lại và từ chối để IAEA thay thế chúng.

Đến tháng 1/2022, Iran thông báo với IAEA rằng nước này đang chuyển một phần hoạt động sản xuất linh kiện máy ly tâm tiên tiến tới một cơ sở mới ở Isfahan và IAEA sẽ lắp đặt camera tại đó để giám sát các hoạt động này.

Trong diễn biến liên quan, Iran mới đây thông báo sẽ cắt giảm năng lực làm giàu urani và số lượng máy ly tâm nếu các cuộc đàm phán tại Vienna đạt được mục tiêu khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, ông Mohammad Eslami, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI), nhấn mạnh: "Nếu các cuộc đàm phán đạt được thoả thuận thì chúng tôi sẽ không đưa ra quyết định mới nào. Chúng tôi vẫn sẽ thực hiện các cam kết như trước đây".

Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc được ký kết năm 2015 đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau khi Mỹ thông báo rút khỏi thỏa thuận này từ tháng 5/2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran. Điều này khiến Iran từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, tăng số lượng máy ly tâm và tăng cường năng lực làm giàu urani. Kể từ tháng 4/2021, Iran và các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân đã tiến hành 8 vòng đàm phán tại Vienna để khôi phục thỏa thuận.

Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Nhân Dân)