Sự kiện

Hy hữu: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai truyền nhầm nhóm máu cho bệnh nhân

Một sự cố y khoa hy hữu đã xảy ra tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Bệnh nhân nhóm máu B nhưng đội ngũ y tế truyền nhóm máu A. Rất may mắn, sự việc được phát hiện kịp thời, các bác sĩ đã điều trị theo phác đồ, hiện sức khỏe bệnh nhân đã tạm ổn.

Ngày 7/8, liên quan đến vụ việc 2 nữ hộ sinh của bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai truyền nhầm máu cho bệnh nhân (SN 1973, ngụ xã Hà Đông, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) may mắn sau đó sự việc được phát hiện sớm nên bệnh nhân được cứu sống. Để nắm rõ thêm sự nhầm lẫn đáng trách này PV có buổi làm việc với bác sĩ Nguyễn Tĩnh Bình, trưởng khoa sản bệnh viện Đa khoa tỉnh để ghi nhận.

Bác sĩ Bình (áo trắng bên trái) Trưởng khoa sản trao đổi với PV.

Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin bác sĩ Bình xác nhận: "Đây là trường hợp sai sót y khoa rất đáng trách, may mắn sự viêc được phát hiện kịp thời các bác sĩ kíp trực đã kịp thời cứu chữa".

Theo bác sĩ Bình, bệnh nhân tên Blonh trước đó nhập viện trong tình trạng, thiếu máu, rong huyết, u sơ tử cung. Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luật bệnh nhân có số lượng hồng cầu trước khi vào viện là 2 triệu 3, chất lượng hồng cầu giảm do cháy máu trong thời gian dài. Do đó, sau khi hội chẩn các bác sĩ quyết định sẽ mổ cắt tử cung để cầm máu.

Đến ngày 6/8, hai nữ hộ sinh của khoa sản là Phạm Nguyễn Thanh Phi, Hà Thị Hằng Ny đi nhận 2 đơn vị máu nhóm A để truyền cho chị Lê Thị Hồng Thu (46 tuổi, ngụ xã Tiên Sơn, TP.Plieku, tỉnh Gia Lai) cũng bị bệnh thiếu máu, rong huyết, u sơ tử cung nằm cùng phòng với bệnh nhân Blonh.

Sau khi đi nhân 2 đơn vị nhóm máu A về nữ hộ sinh Ny thực hiện đầy đủ quy trình làm phản ứng ngưng kết hồng cầu cho bệnh nhân Thu ngay tai giường bệnh. Tuy nhiên, sau đó, nữ hộ sinh Phi lại bất cẩn cầm đơn vị nhóm máu A đáng lẽ ra được truyền cho chị Thu thì lại đem sang giường khác để truyền cho chị Blonh người có nhóm máu B.

Chị Blonh người bị truyền nhầm nhóm máu.

Bác sĩ Bình cho biết thêm: "Cũng may mắn ngay sau đó 2 nữ hộ sinh phát hiện ra sự nhầm lẫn, kịp thời can thiệp và báo cáo cho bác sĩ trực kịp thời thực hiện các biện pháp cứu chữa. Ngay sau khi được báo cáo thông tin về vụ việc tôi cùng các bác sĩ kíp trực hôm đó đã khẩn trương thực hiện các biện pháp cứu chữa theo phác đồ điều trị. May mắn cho đến giờ phút này bệnh nhân sưc khỏe đã có tiến triển tốt".

Theo bác sĩ Bình, sau khi sự việc xảy ra bệnh viện đã niêm phong tất cả các thứ có liên quan lại để sau này nếu có sự cố đáng tiếc xảy ra cơ quan công an vào cuộc điều tra.

"Theo kinh nghiệm của tôi hơn 20 năm trong nghề nếu chỉ cần truyền nhầm 1 vài giọt máu vào người bệnh thì sẽ có biểu hiện tăng máu,  tăng huyết áp, suy gan, suy thận, rất khó cứu chữa", bác sĩ Bình nói.

Trao đổi với PV, bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc, Phó giám đốc bệnh viện Đa Khoa tỉnh Gia Lai thông tin: "Đây là một sự cố y khoa thật đang trách, tôi không hiểu tại sao quy trình, nguyên tắc trong truyền máu được thực hiện rất nghiêm ngặt. Trước mắt phía bệnh viện sẽ tập trung điều kiện để đảm bảo cho bệnh nhân Blonh được chữa trị trong điều kiện tốt nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi phải sớm thành lập hồi đồng chuyên môn để mổ xẻ đánh giá lại toàn bộ quá trình, tuyệt đối không để điều tương tự xảy ra thêm một lần nào nữa. Về 2 nhân viên hộ sinh chúng tôi sẽ xem xét mức độ sai phạm thế nào thì sẽ xử lý đến đó".